Giải pháp khắc phục những khó khăn để đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp
Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu chung là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương;
Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường...
Sau hai năm triển khai, Đề án đã thực hiện và đạt được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, doanh nghiệp đã gặp không ít những khó khăn trong việc triển khai.
Cụ thể, do tình hình dịch bệnh Covid 19 lan rộng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội trong nước nên hoạt động quản lý nhà nước về đo lường cũng bị ảnh hưởng; hoạt động kiểm tra, khảo sát doanh nghiệp không được thực hiện theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các quy định về mức chi, nội dung chi cho doanh nghiệp áp dụng chương trình đảm bảo đo lường; Nhận thức về hoạt động đo lường công nghiệp, ứng dụng của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng về đo lường ở địa phương còn thấp và yếu.
Theo ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL) giải pháp để tuân thủ cũng như khắc phục những khó khăn để đảm bảo đo lường, thứ nhất là thiết lập và phân công, phân nhiệm cụ thể đến từng đơn vị, bộ phận, cá nhân chủ trì, tham gia thực hiện Chương trình; Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn; Lồng ghép ban hành và tổ chức thực hiện quy chế về khen thưởng tập thể, cá nhân hoàn thành tốt; nhắc nhở đối với tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Thứ hai, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước hoặc nước ngoài. Tăng cường hợp tác, liên kết trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về đo lường tiên tiến.
Ngoài ra, hợp tác, liên kết khai thác, sử dụng các phương tiện đo, chuẩn đo lường, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra, các trang thiết bi, công cụ khác theo quy định để thực hiện nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo đo lường.
Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến trong doanh nghiệp, trên phương tiện thông tin đại chúng về việc triển khai và kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường; Tham gia diễn đàn đo lường doanh nghiệp Việt Nam thường niên, hội nghị khoa học kỹ thuật đo lường toàn quốc định kỳ 5 năm và các hội nghị, hội thảo liên quan chia sẻ, học tập kinh nghiệm triển khai Chương trình đảm bảo đo lường.
Thứ tư, tăng cường thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa sản phẩm; Tham gia các hội trợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, Chương trình xúc tiến thương mại… Tăng cường xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường.
Thứ năm, xây dựng chương trình đảm bảo đo lường thí điểm cho từng ngành, lĩnh vực, thông qua đó nhân rộng xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực đó và từng bước nhân rộng ra cả nước.