Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Mastercard nói về vai trò của nữ doanh nhân

08:31 | 20/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dẫn ra con số 27% doanh nghiệp Việt Nam hiện do phụ nữ làm chủ, bà Winnie Wong, TGĐ Quốc gia của MasterCard tại khu vực Đông Dương cho biết, đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Hồi tháng 4/2019, Mastercard đã bổ nhiệm bà Winnie Wong giữ vị trí Giám đốc quốc gia tại Việt Nam.

Bà Wong chịu trách nhiệm mở rộng các hình thức thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam, đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong việc kết nối với các cơ quan chính sách và các bên hữu quan nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện kế hoạch giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt xuống dưới 10% vào năm 2020.

Làm việc tại trụ sở TP HCM, bà Wong sở hữu hơn 15 năm kinh nghiệm về các giải pháp thanh toán thương mại. Gia nhập Mastercard tại Singapore từ năm 2013, bà đã phối hợp với các chính phủ và doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng nền tảng B2B nhằm nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hoạt động thương mại xuyên biên giới ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Mastercard nói về vai trò của nữ doanh nhân - ảnh 1

Bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam.

Được biết bà Wong có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và hàng tiêu dùng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bà có bằng Cử nhân quản trị kinh doanh (Danh dự) của trường Đại học Putra Malaysia.

Việc bổ nhiệm bà Wong là một động thái đáng chú ý của Mastercard nhằm phát triển thị trường thanh toán không tiếp xúc (contactless) tại Việt Nam.

Trao đổi với báo Đầu tư Chứng khoán, bà  Winnie Wong dẫn ra con số 27% doanh nghiệp Việt Nam hiện do phụ nữ làm chủ, bà cho biết, đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 20 trên toàn cầu.

Có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, bà đúc kết: Phụ nữ đang đóng những vai trò thực sự quan trọng trong các tập đoàn và công ty hàng đầu, cũng như các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ quan nhà nước và khu vực công.

Là người Mỹ gốc Singapore, từng trải qua những khó khăn, định kiến mà nữ giới gặp phải khi tham gia vào thương trường, Winnie Wong đặc biệt quan tâm đến sứ mệnh trao quyền cho phụ nữ, nhất là khi xét về khía cạnh thúc đẩy sự bình đẳng, cũng như giúp phụ nữ đạt được sự cân bằng giữa việc phát triển bản thân và cuộc sống cá nhân.

Sống tại Việt Nam trong thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, nữ doanh nhân nhận xét, Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn nhất hiện nay.

Dịch bệnh COVID-19 là động lực thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh. Nhưng bà Winnie Wong cho biết, khi sinh kế và thu nhập của nhiều người dân bị tác động tiêu cực bởi COVID-19, bất cứ doanh nghiệp nào, ngành kinh tế nào cũng sẽ chịu tác động kém lạc quan theo.

Với các tập đoàn như MasterCard cũng không là ngoại lệ, áp lực duy trì đà tăng trưởng là rất lớn khi thị trường chi tiêu thắt chặt, dòng khách du lịch tiêu dùng vốn là nhóm khách hàng lớn của các nhà băng và hãng thẻ bị đứt gãy.

Nhưng cũng trong khó khăn, Winnie Wong bảo, bà thấy có động lực khi triển khai các chương trình có thể hỗ trợ được cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ.

Theo nữ doanh nhân: "Phụ nữ Việt Nam thường đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống gia đình. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, việc đảm bảo vai trò của phụ nữ cũng như tiếp tục hỗ trợ về mặt tài chính là đặc biệt quan trọng".

Winnie Wong kể, bà bị ám ảnh bởi câu chuyện của một chị chủ sạp hàng quần áo trong một chợ nhỏ ở khu vực Hà Đông - Hà Nội.

Sạp hàng của chị là sinh kế của đại gia đình, gồm bố mẹ chồng, vợ chồng chị và 3 đứa con, thêm cô em chồng tật nguyền nữa. Vài năm nay, chị mắc một căn bệnh liên quan đến máu, phải thường xuyên lọc máu, mặt phù to. Nhưng cứ sau mỗi đợt điều trị, chị lại tay năm tay mười, làm không ngơi nghỉ.

Ông chồng chị vì kém khiếu buôn bán nên chỉ giúp vợ theo kiểu "chỉ đâu, đánh đấy". Khi dịch bệnh xảy ra, sạp quần áo ế ẩm, chị phải xoay sang muối dưa cà, bán đồ thực phẩm để mưu sinh.

Chỉ cần số vốn vài trăm triệu đồng là có thể giúp chị chuyển đổi sinh kế thành công và có thêm động lực sống.

Những hoàn cảnh như vậy đã thôi thúc Winnie Wong và các lãnh đạo MasterCard hợp tác cùng các tổ chức phi chính phủ như CARE International xây dựng chương trình hỗ trợ vốn và kiến thức chuyên môn cho 1.000 phụ nữ có mô hình kinh doanh nhỏ lẻ ở Hà Nội và TP HCM, nhằm thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sau đại dịch, hướng đến sự tăng trưởng đồng đều và bền vững trong dài hạn.

Việc tiếp cận hỗ trợ tài chính vốn là một trong những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và càng trở nên khó khăn hơn với phụ nữ làm kinh doanh trong bối cảnh hiện tại.

Để được các ngân hàng cho vay, thường người vay cần phải có tài sản thế chấp, trong khi tài sản này có thể do người chồng đứng tên.

Để thực hiện được mục tiêu hỗ trợ tài chính cho phụ nữ, Winnie Wong kỳ vọng, dự án mà MasterCard đang nỗ lực thúc đẩy sẽ chấp nhận nền tảng kỹ thuật số rộng rãi hơn. Lúc đó, các ngân hàng có thể thấy được bằng chứng rõ ràng về các khoản phải thu của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Theo bà Winnie Wong, điều này giúp các tổ chức tài chính dễ dàng đưa ra các quyết định sáng suốt về việc hỗ trợ tài chính, vì dữ liệu về thu nhập là từ một nguồn đã được xác thực, thay vì dựa trên giấy tờ, hay hoạt động kế toán tập trung vào tiền mặt - vốn rất khó để xác minh.

Tìm thấy niềm vui trong công việc, nhất là khi giúp đỡ được nhiều phụ nữ có cuộc sống và công việc tốt hơn, Winnie Wong luôn thấy có nhiều động lực mới trong môi trường kinh doanh năng động và trẻ trung như ở Việt Nam.

Vừa là nữ lãnh đạo của một công ty đa quốc gia, vừa là một người vợ, một người mẹ trong gia đình, bà chia sẻ giản dị về bí quyết giữ cân bằng của mình: Luôn cố gắng hết sức để dành nhiều thời gian nhất có thể cho gia đình.

Lệ Vỹ (T/h)

ĐỌC NHIỀU