Giảm lãi suất 1% ảnh hưởng thế nào tới lợi nhuận ngân hàng?
Nhiều ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất theo lời "hiệu triệu" của cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, sẽ tiến hành giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức giảm trung bình 1,5% trong thời gian từ ngày 15/7-31/12/2021. Theo ước tính ban đầu, sẽ có hơn 8.500 khách hàng được giảm lãi suất là các doanh nghiệp thuộc ngành nghề ưu tiên của Chính phủ, doanh nghiệp SME, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Trước đó, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã phát đi thông báo cho biết, để đồng hành cùng khách hàng trong tình hình khó khăn vì dịch COVID-19, ACB sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Cùng với đó, ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7 – 15/10/2021.
Trước đó, Sacombank, TPBank, MB, VietCapital Bank và 3 ông lớn quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Agribank đều đã có công bố về việc sẽ giảm lãi suất tiền vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Như Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Việc giảm lãi suất không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…
Vietcombank cho biết, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.
Từ ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, đối với một số nhóm khách hàng khó khăn, mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. BIDV cho biết, tổng nguồn lực ngân hàng dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2021 lên tới 6.100 tỷ đồng.
Agribank cho biết giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên (Không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi).
Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank sẽ dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Như vậy, chỉ tính riêng 3 ngân hàng quốc doanh thì số tiền hỗ trợ để giảm lãi suất trong năm 2021 đã rơi vào khoảng 17.700 tỷ đồng và số hỗ trợ này sẽ bị tính gần như trực tiếp vào lợi nhuận của các ngân hàng.
Giảm 1% lãi suất khiến ngân hàng giảm 1/2 lợi nhuận?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, luỹ kế đến tháng 6/2021 đã có khoảng 9,6 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế. TS. Cấn Văn Lực tính sơ lược rằng, lợi nhuận cả năm năm 2020 của toàn ngành ngân hàng là khoảng 185.000 tỷ đồng. Nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu là khoảng 9,6 triệu tỷ, thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1 nửa lợi nhuận của toàn ngành năm ngoái.
Trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất huy động khó có thể giảm thêm do không còn dư địa trước lo ngại tiền sẽ chảy mạnh sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng cũng phải rất cân nhắc trước quyết định giảm lãi suất cho vay.
"Ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Quyết định ảnh hưởng tới chỉ tiêu lợi nhuận có thể phải xin ý kiến cổ đông", ông Lực nói.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, lợi nhuận những quý đầu năm 2021 hay cả năm 2020 của ngành ngân hàng chưa phán ánh đúng hiệu quả hoạt động. Vì những con số lợi nhuận này phần nào đến từ giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 và rất có thể nợ xấu sẽ "dềnh" lên trong những tháng cuối năm 2021 do có độ trễ đặc thù trong hoạt động ngành này.
Về phần mình, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong điều kiện cả nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, thì ngành ngân hàng cũng nên đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm thêm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế.
Cùng với đó, bối cảnh hiện nay khá phù hợp để các ngân hàng giảm lãi suất như kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định, chưa có biến động lớn; áp lực lạm phát không quá nhiều. Kết quả kinh tế của Trung Quốc 6 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng đang chậm lại sẽ làm giảm áp lực lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý, gần đây ngân hàng báo lợi nhuận khủng vì chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Bản thân nhiều ngân hàng chia cổ tức thời gian qua phần nào đã "ăn" vào dự phòng rủi ro nợ xấu trong tương lai.
Theo Nhà đầu tư