Thị trường BĐS 2022: Nguồn cung khan, lực cầu ảo và khuyến nghị mô hình doanh nghiệp 5Rs
Đầu tư 1 tăng 3 - 4 lần là bất hợp lý
Thảo luận về tình hình thị trường BĐS Việt Nam 2021 và nhận định thị trường BĐS năm 2022, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: Hoạt động đầu tư vào BĐS ngày càng mạnh thông qua nhiều hình thức cả công lẫn tư, đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng về số cũng như chất lượng.
Đối với thị trường BĐS, đầu tư 1 thì giá trị tăng 1, nhưng đầu tư 1 tăng 3 - 4 lần như thời gian vừa qua là bất hợp lý. Một số địa phương thậm chí tăng mạnh hơn, nguyên nhân chính là chúng ta quá thiếu nguồn cung, khan hiếm nguồn hàng, đặc biệt là cầu đầu tư tăng, nguồn vốn chảy vào BĐS tăng.
“Tôi đánh giá lực cầu đang là cầu ảo, bởi nếu kinh doanh BĐS lâu dài, không mang tính đầu cơ thì mới là thị trường phát triển bền vững. Dòng vốn đầu tư vào BĐS mới chỉ là đầu tư tài chính, rõ ràng đây không phải là thật. Chúng ta đang xuất hiện một số hiện tượng đầu tư bất bình thường”, ông Đính nhận định.
Cho rằng tiềm năng thị trường BĐS Việt Nam 2022 là rất lớn, TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV đánh giá: Trong nền kinh tế, BĐS và TTCK là hai phân khúc rất quan trọng, gắn chặt với sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Ông Lực dự báo, năm 2022, thị trường BĐS có rất nhiều triển vọng và cơ hội cho Việt Nam. Theo đó, phân khúc BĐS công nghiệp còn nhiều tiềm năng phát triển từ đầu tư trong và nước ngoài. BĐS logistics sẽ phát triển mạnh mẽ hơn qua việc rút kinh từ thực trạng thiếu container thời gian vừa qua, đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải phát triển tốt để đáp ứng.
“Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu cung trong lĩnh vực BĐS, trong khi nhu cầu thực hiện hữu tăng, nhất là lĩnh vực nhà ở phân cấp trung bình, thấp. Làm sao phải điều tiết thị trường BĐS cho công khai, minh bạch, lành mạnh hơn để tránh hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh” thời gian vừa qua, dẫn đến nhận thức của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp nghĩ nhiều tới việc thị trường BĐS diễn biến theo chiều hướng xấu”, ông Lực nói.
Hàng ngàn dự án đắp chiếu cần được phê duyệt
Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh nguyên nhân chính của tình trạng bất cập trên thị trường BĐS hiện nay chính là thiếu nguồn hàng và điều này phải có giải pháp căn cơ.
“Hàng ngàn dự án BĐS của chúng ta đang đắp chiếu, nếu được phê duyệt thì các dự án này sẽ tung nguồn hàng lớn, giúp cân bằng thị trường. Khi thị trường không khan hiếm thì không có lý do gì tăng giá nữa. Bên cạnh đó, chúng ta phải có chính sách vĩ mô và vi mô để đón đầu hoạt động đầu cơ F0 vào thị trường BĐS, làm sao nắn chỉnh dòng vốn này vào dòng chảy của hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, thị trường BĐS sẽ điều tiết theo đúng nguyên lý để trở lại giá trị thực”, ông Đính khuyến nghị.
Doanh nghiệp phục hồi xanh, tăng trưởng xanh và theo mô hình 5Rs
Tại phiên thảo luận, TS. Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp BĐS phải tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ cùng với tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất lao đọng cộng với mô hình 5Rs.
Mô hình 5Rs bao gồm: 1.Respon (thích ứng, linh hoạt), 2.Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), 3.Restructue (tái cấu trú), 4.Re-invent (đổi mới sáng tạo bao gồm cả chuyển đổi số), 5.Resilience (tăng sức đề kháng – khả năng chống chịu các cú sốc, gồm cả quản lý rủi ro).
“Doanh nghiệp cũng phải phục hồi xanh, tăng trưởng xanh bởi xu thế phục hồi xanh là chắc chắn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký một Chương trình tăng trưởng xanh 10 năm tới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Doanh nghiệp BĐS phải tính toán điều này, cộng với chuyển đổi số và đón đầu xu hướng mới, thích ứng và quản trị thay đổi”, theo chuyên gia Cấn Văn Lực.