Giảm mạnh dự phòng phí và chi bồi thường, Bảo hiểm Agribank (ABIC) báo lãi quý II tăng gần gấp đôi

Diên Vỹ 12:22 | 19/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo giải trình từ phía ABIC, lãi ròng quý II và 6 tháng 2023 tăng đáng kể so với cùng kỳ 2022 chủ yếu do dự phòng phí và chi bồi thường giảm mạnh trong kỳ.

 

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 vừa công bố, Bảo hiểm Agribank (ABIC - mã: ABI) báo doanh thu phí bảo hiểm gốc và phí nhận tái bảo hiểm lần lượt giảm 12% (đạt 506 tỷ đồng) và tăng 185% (lên 5,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhờ chi phí dự phòng giảm 21 tỷ đồng so với mức tăng gần 82 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng 7%, đạt 533 tỷ đồng.

Cùng đó, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng giảm 7% xuống 308 tỷ đồng, chủ yếu do tổng chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 12% xuống 157,5 tỷ đồng. 

Nhờ đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng mạnh 37% lên 188 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong kỳ cũng ghi nhận khoản lợi nhuận gộp từ hoạt động tài chính tăng 38% lên 43 tỷ đồng. 

Trừ chi phí quản lý doanh nghiệp 125 tỷ đồng, ABIC ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 106 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ. Lãi ròng ghi nhận 84,6 tỷ đồng, tăng 97%.

Lũy kế 6 tháng, ABIC báo tổng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (gồm doanh thu phí bảo hiểm thuần, hoa hồng tái nhượng bảo hiểm và doanh thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm) đạt 977 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng 25%, đạt 362 tỷ đồng. Lãi ròng lũy kế 6 tháng đạt 155 tỷ đồng, tăng 56 tỷ đồng, tương đương khoảng 57%.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lãi ròng quý II và 6 tháng 2023 tăng đáng kể so với cùng kỳ 2022 do trong quý II, dự phòng phí và chi bồi thường giảm 124 tỷ đồng, tương đương giảm gần 48% và lũy kế 6 tháng, dự phòng phí và chi bồi thường giảm 184 tỷ đồng, tương đương giảm gần 40%.

Tổng tài sản của ABIC tính đến cuối quý II/2023 đạt 3.831 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 2.930 tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản, và tăng 6% so với đầu năm. Toàn bộ khoản này là tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng. ABIC cũng có 124 tỷ đồng là tiền và tương đương tiền, tăng 38% so với đầu năm, trong đó bao gồm 6,6 tỷ tiền mặt và hơn 117 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn.

Ngoài ra, các khoản phải thu ngắn hạn đạt gần 212 tỷ đồng, tăng 43% và tài sản tái bảo hiểm là 188 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của ABIC tính đến 30/6/2023 đều là nợ ngắn hạn với 2.340 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự phòng nghiệp vụ đạt 1.782 tỷ đồng (trong đó dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm là 1.343 tỷ đồng).