Giao xe máy cho con tuổi vị thành niên: Cần phạt nặng học sinh lẫn phụ huynh
Gia tăng TNGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên
Ngày 10/11 vừa qua, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn giữa 3 xe máy đã xảy ra trên đường Ỷ Lan, thuộc địa bàn xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Tai nạn liên hoàn khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ, có 4 nạn nhân gồm bị thương nặng. Các phương tiện hư hỏng nặng, riêng xe máy biển số 29N1 bốc cháy. Điều đáng nói là các nạn nhân đều đang ở độ tuổi 16 – 18, độ tuổi chưa được phép sử dụng xe gắn máy.
Mới đây, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế ) bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Hoàng Thị Kim Lan (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế) về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dẫn tới gây tai nạn. Trước đó, vào tháng 8/2023, bà Lan giao xe máy cho con trai là Nguyễn Văn Quang Huy (sinh năm 2005, thời điểm này Huy chưa có giấy phép lái xe) tham gia giao thông. Khi Huy lái xe tới đường Minh Mạng (phường Thủy Xuân, TP Huế ) thì gây ra tai nạn giao thông làm 1 người chết, 1 người bị thương. Huy cũng bị đa chấn thương, vỡ phức tạp vùng sọ…, phải nhập viện cấp cứu. Cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Huy
Vào tháng 3/2024, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đưa ra xét xử bị cáo Rơ Ma Pil (sinh năm 1986, ngụ xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, năm 2021, Pil giao xe máy có dung tích xi lanh 109cm3 của mình cho con trai là Rơ Mah Tinh (sinh tháng 10-2006, thời điểm đó chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô trên 50cm3 , chưa có giấy phép lái xe) đi lại hàng ngày. Tháng 10-2023, sau khi uống rượu, Tinh lái xe máy chở 2 người khác, lưu thông trên đường liên xã, theo hướng xã Ia Lâu đi xã Ia Ga (huyện Chư Prông), tông vào xe máy do Rơ Mah Tuyên (cùng trú xã Ia Lâu) điều khiển hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến 4 người trên 2 xe máy tử vong...
Theo số liệu của Ủy ban quốc gia, trung bình mỗi năm có tới 2.000 thanh thiếu niên thiệt mạng vì TNGT trên cả nước. Học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT kể trên. Tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng. Đồng thời, hiện tượng học sinh chưa đủ 18 tuổi sử dụng xe máy trên 50 phân khối cũng ngày càng tăng. Trước tình trạng này, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đang tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm việc học sinh vi phạm pháp luật về giao thông, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trẻ em và học sinh thuộc nhóm tuổi chưa thành niên, từ nhận thức, tâm sinh lý cho đến các hành vi của các em không thể đòi hỏi giống như người đã trưởng thành. Do vậy, cha mẹ, phụ huynh, học sinh và những người giám hộ là những người có trách nhiệm rất lớn trong việc theo dõi, quản lý, kiểm soát các em và trách nhiệm phải thuộc về phụ huynh.
Ông Lê Kim Thành cũng khẳng định, gia đình và nhà trường đều có trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh. Đối với lực lượng chức năng, việc xử phạt đối các em học sinh hay phạt cha mẹ chỉ là bề nổi của vấn đề. Cần phải có những sự giáo dục thường xuyên, liên tục, từ nhà trường và gia đình. Phụ huynh sẽ là người trực tiếp giảng dạy về kỹ năng, kiến thức để tham gia giao thông an toàn cho con em mình. Khi học sinh vi phạm, cần có sự phối hợp thông tin từ gia đình, nhà trường và xã hội để nhà trường có biện pháp giáo dục phù hợp với tâm sinh lý và độ tuổi của các em. Từ đó, nâng cao ý thức cho học sinh, đặc biệt là lứa tuổi chưa đủ khả năng chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông ngay tại nhiều trường học. Đồng thời, Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền tới hơn 90.000 học sinh và giáo viên, yêu cầu ký cam kết chấp hành luật giao thông tới hơn 35.000 phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng triển khai mô hình cổng trường an toàn tại 30 trường trên địa bàn quận Ba Đình. Với mô hình này, lực lượng chức năng sẽ có mặt tại khu vực cổng trường vào các khung giờ đến lớp cũng như là tan trường. Qua đó, tổ chức phân luồng, tránh tình trạng xe đưa đón con của phụ huynh đỗ tràn xuống lòng lề đường. Từ đó, giúp giảm ùn tắc trước cổng trường và tạo con đường an toàn cho các em tới trường.
"Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể cho từng bộ, ngành, đặc biệt là cho các địa phương, cùng với chuyên đề của Bộ Công an và lực lượng cảnh sát giao thông. Đây sẽ là giải pháp bền vững để giảm thiểu tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh. Đồng thời, cần kiên trì phát triển hệ thống phương tiện vận tải công cộng để phục vụ việc đưa đón học sinh. Các em luôn coi cha mẹ và người lớn là những hình mẫu. Do đó, đối với các công chức, viên chức, người lao động, đảng viên trong các tổ chức xã hội và chính trị, cần tiếp tục làm gương trong việc tuân thủ các quy định về trật tự, an toàn giao thông và kiên quyết không giao xe cho con em mình khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là: chúng ta phải nói không với việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông", ông Lê Kim Thành đề xuất.