Giới chuyên gia dự đoán hướng đi của chứng khoán Mỹ sau tháng 8 đỏ lửa

11:17 | 23/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các ngân hàng Phố Wall và giới chuyên gia đang bất đồng ý kiến về hướng đi của thị trường chứng khoán Mỹ trong phần còn lại của năm 2023. JPMorgan và Morgan Stanley có quan điểm tiêu cực, trái lại Goldman Sachs và Fundstrat có góc nhìn lạc quan hơn.

 

Thị trường chứng khoán  Mỹ đã tăng điểm trong suốt 7 tháng đầu năm nay. Trong khoảng thời gian đó, chỉ số S&P 500 đi lên 21%, nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu và Phố Wall đã rút bớt các dự báo suy thoái. Nhưng trong ba tuần qua, chứng khoán Mỹ đã đổi chiều đi xuống, S&P 500 mất khoảng 5%.

Các nhà phân tích giàu kinh nghiệm có lẽ không ngạc nhiên trước tình huống này. Dữ liệu cho thấy trong hơn 30 năm qua, tháng 8 là tháng tiêu cực thứ hai trong năm đối với cổ phiếu, theo ấn phẩm Stock Trader's Almanac. Tháng 8 còn đặc biệt tồi tệ với nhà đầu tư trong năm trước bầu cử tổng thống Mỹ.

Nhưng trong tháng 8 năm nay, mùa vụ không phải là yếu tố duy nhất khiến thị trường hụt hơi. Lợi suất trái phiếu Kho bạc đang nhảy vọt trong bối cảnh các nhà đầu tư từ bỏ hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất.

Sau khi rơi xuống đáy 3,68% trong tháng 4, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2007, bật tăng gần 10 điểm cơ bản trong phiên 21/8 và vượt mức 4,3%.

TIN LIÊN QUAN Nối gót Moody's, S&P hạ xếp hạng loạt ngân hàng Mỹ 22/08/2023 - 14:07

Cổ phiếu nói chung và đặc biệt là nhóm cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao dễ bị tổn thương trong giai đoạn lãi suất gia tăng bởi chi phí vay cao ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu gia tăng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận hấp dẫn từ khoản đầu tư an toàn hơn nhiều so với cổ phiếu.

Cùng lúc đó, rắc rối kinh tế của Trung Quốc khiến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cũng nhạt nhòa đi. Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, S&P và Moody’s cũng hạ bậc của hàng loạt ngân hàng. Cộng thêm triển vọng mập mờ của lạm phát, và thị trường đã có đủ lý do để phiền muộn.

Dưới đây là các dự đoán của chuyên gia và ngân hàng Phố Wall về diễn biến tiếp theo của thị trường chứng khoán Mỹ, theo tổng hợp của Markets Insider:

JPMorgan

Trong lưu ý tuần trước, các chuyên gia của JPMorgan viết rằng người tiêu dùng Mỹ đã tiêu hết tiền tiết kiệm dư thừa trong đại dịch. Điều này đồng nghĩa với việc họ không còn nhiều tiền để rót vào thị trường như trước. Do đó, ngân hàng này cho rằng chứng khoán Mỹ sẽ sụt giảm hơn nữa.

Ông Marko Kolanovic, chuyên gia giao dịch định lượng nổi tiếng của JPMorgan, dự kiến chỉ số S&P 500 sẽ kết năm ở mốc 4.200 điểm, thấp hơn khoảng 4,3% so với mức đóng cửa ngày 22/8 là 4.388 điểm.

 

Morgan Stanley

Trong báo cáo tháng 8, các nhà phân tích thuộc bộ phận Wealth Management của Morgan Stanley chỉ ra rằng lợi suất gia tăng nhanh chóng là lý do nhà đầu tư nên chọn trái phiếu thay vì cổ phiếu.

Giám đốc đầu tư Lisa Shallet khuyên: “Các nhà đầu tư nên phân bổ tiền sang trái phiếu Kho bạc, loại tài sản đang trả lợi suất 4,5% - 5,5% và có tiềm năng tăng giá đáng kể nếu kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm gặp nguy hiểm”.

Stifel 

Ông Barry Bannister, Giám đốc đầu tư của Stifel, cảnh báo các khách hàng hồi đầu tháng 8 rằng cuộc phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong năm 2023 đã kết thúc, và nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần khi lợi nhuận trong khoảng cuối năm có thể giảm sút thấy rõ. Ông dự đoán S&P 500 sẽ kết năm ở mức 4.400 điểm, và sang quý I/2024, Mỹ vẫn có thể rơi vào suy thoái.

Goldman Sachs

Nhóm chuyên gia Goldman Sachs dự báo cuối năm nay, chỉ số S&P 500 sẽ đạt mốc 4.700 điểm. Theo ngân hàng Phố Wall này, các nhà đầu tư vẫn có khả năng mua thêm cổ phiếu trong bối cảnh nguy cơ suy thoái giảm bớt, và hoạt động của nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ tăng lên trong thời gian tới khi tâm lý trở nên lạc quan hơn.

Fundstrat

Ông Tom Lee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Fundstrat, tuyên bố hôm 21/8 rằng thị trường sẽ bật tăng trong tuần này nhờ hai chất xúc tác: báo cáo kết quả kinh doanh của Nvidia và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole.

Ông Lee dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ leo lên mức cao kỷ lục 4.825 điểm sau tháng 8. Ông cho rằng sự sụt giảm của thị trường trong ba tuần qua chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ và không gây ảnh hưởng đến triển vọng cuối năm. Ông còn khuyên các nhà đầu tư coi cuộc bán tháo tuần trước là cơ hội bắt đáy “tuyệt vời”.

David Rosenberg

Ông David Rosenberg, Giám đốc công ty nghiên cứu Rosenberg, đang chuẩn bị cho khả năng thị trường lao dốc như năm ngoái. Ông chỉ ra các yếu tố bất lợi là rủi ro từ Trung Quốc và nguy cơ lãi suất của Mỹ tăng cao hơn cũng như duy trì trong lâu hơn.

Ông nói rằng phần bù rủi ro giữa cổ phiếu và trái phiếu đã rơi xuống mức thấp nhất trong 20 năm, và chỉ số S&P 500 có vẻ đang được định giá quá cao. Ông khuyên các nhà đầu tư từ bỏ thị trường chứng khoán "đắt đỏ" và thay vào đó tìm đến trái phiếu Kho bạc "đang bị định giá thấp”.

 

Jeremy Grantham

Gần đây, nhà đầu tư huyền thoại Jeremy Grantham đã so sánh thị trường chứng khoán Mỹ ngày nay và bong bóng dot-com, đồng thời ông dự đoán rằng giá cổ phiếu sẽ sụt giảm khi suy thoái kinh tế diễn ra.

Ông cho biết: “Tôi ngờ rằng lạm phát sẽ không bao giờ xuống thấp bằng mức trung bình trong một thập kỷ qua, chúng ta đã bước vào thời kỳ lạm phát và lãi suất đều cao hơn trước. Cuộc sống rất đơn giản. Lãi suất thấp kéo giá tài sản tài chính đi lên. Lãi suất cao đẩy giá xuống”.