Giới trẻ khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường

21:58 | 30/10/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhận thức được ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã nắm bắt cơ hội, tìm ra những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo giải quyết các vấn đề môi trường.

Biến rác hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi và phân bón

Các vấn đề môi trường ngày càng nhức nhối, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người. Trong khi đó, các nghiên cứu và biện pháp giải quyết dù đã có nhưng vẫn chưa đủ khả thi. Nhiều giải pháp thiếu tính bền vững, chưa có khả năng nhân rộng cũng như thiếu các đơn vị, tổ chức để điều hành việc ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn.

Vì vậy, nhiều cuộc thi khởi nghiệp vì môi trường được phát động với kỳ vọng kết nối các nhà nghiên cứu có kiến thức chuyên môn về môi trường cùng những người có kỹ năng khởi nghiệp để tạo ra giải pháp bền vững cho môi trường sinh thái, khuyến khích việc nghiên cứu học thuật đi đôi với tinh thần khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo.

Các cuộc thi này đã xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp khả thi với tính sáng tạo cao, có thể nhân rộng để xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương. Dự án D-Fly – Sử dụng ruồi lính đen để xử lý chất thải hữu cơ là một ví dụ.

Giới trẻ khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường - ảnh 1
Nhóm D-Fly chụp ảnh cùng thành viên Ban giám khảo (thứ 3 từ phải qua) tại cuộc thi “Thử thách thanh niên VN với sáng tạo xã hội” năm 2018

Nhận thấy rác thải hữu cơ là một nguồn tài nguyên quý giá đang bị lãng phí, trong khi ấu trùng ruồi lính đen có thể biến chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi có giá trị và phân bón giàu chất dinh dưỡng, nhóm D-Fly đã có ý tưởng sử dụng nguồn lực từ cộng đồng, thu gom rác thải hữu cơ và dùng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác hữu cơ cho các hộ gia đình, tạo ra sản phẩm ấu trùng ruồi lính đen khô và tươi làm thức ăn cho vật nuôi, phân bón cho cây cảnh.

Đại diện nhóm D-Fly cho hay, ruồi lính đen không phải là những con côn trùng bay vo ve xung quanh thùng rác và làm lây lan vi khuẩn như nhiều người nghĩ. Loài ruồi này sạch và rất hữu ích trong việc xử lý rác thải. Bằng công nghệ hiện đại, trứng ruồi lính đen được thu gom và thả vào rác thải hữu cơ. Tại đây, trứng sẽ phát triển thành ấu trùng và phân hủy các chất thải này thành một loại phân bón hữu cơ.

Ưu điểm của phương pháp này là xử lý triệt để 100% rác thải hữu cơ và phần phân thải thu gom cuối cùng là phân thải từ ấu trùng. Đây là nguồn phân giàu dinh dưỡng và sạch phù hợp với nhiều loại cây trồng. Ngoài ra, ấu trùng ruồi đen sau xử lý là nguồn thức ăn an toàn, giàu dinh dưỡng dành cho chăn nuôi, đặc biệt nếu chế biến thành thức ăn cho các loại cá cảnh cao cấp. Vì vậy, các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã tiến hành chương trình nghiên cứu để đưa ruồi lính đen trở thành “lính tiên phong” trong cuộc chiến làm sạch Singapore.

Để sản xuất ra các sản phẩm này, nhóm dự án đi thu thập rác thải hữu cơ từ các hộ gia đình rồi nghiền nhỏ để ấu trùng ruồi lính đen phân hủy tốt hơn. Chỉ sau gần 3 tuần, ấu trùng có thể thu hoạch được, họ tách ấu trùng ra khỏi phân của chúng, đóng gói và bán ra thị trường.

Ngoài lợi ích về giá trị dinh dưỡng cho cây trồng, sản phẩm còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Trước hết, dự án này giúp tạo ra lợi nhuận từ rác thải hữu cơ. Theo tính toán, trung bình một tấn rác thải hữu cơ tạo ra 16 triệu đồng trong khi giá gạo là 12 triệu đồng/tấn.

Giá trị thứ hai mà dự án mang lại là tăng thu nhập cho người dân. Họ sẽ được hưởng lợi từ chính rác thải do gia đình mình thải ra. Quan trọng hơn cả là dự án này góp phần giảm chi phí giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải hữu cơ gây ra.

Hiện, nhóm dự án đưa ra thị trường 2 dòng sản phẩm là thức ăn chăn nuôi (gồm ấu trùng tươi với giá 25.000 đồng/kg, ấu trùng khô 70.000 đồng/kg) và phân bón hữu cơ với mức giá 5.000 đồng/kg.

Thu 400 triệu đồng/năm với mô hình nuôi giun quế từ phân bò

Qua quá trình làm nông nghiệp hữu cơ, chàng trai 9X Nguyễn Xuân Trường (Hà Nội) phát hiện ra con giun quế có nhiều ích lợi, khá dễ nuôi, thị trường tiêu thụ lại rộng mở nên mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi giun quế từ phân bò.

Ngoài tìm hiểu kỹ thuật nuôi giun quế trên mạng, Trường lang thang khắp các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình... thăm hơn 20 trang trại nuôi giun để học hỏi kinh nghiệm thực tế.

Giới trẻ khởi nghiệp sáng tạo vì môi trường - ảnh 2
Chàng trai Nguyễn Xuân Trường khởi nghiệp với giun quế

Không có vốn, Trường bắt tay vào nuôi giun tại nhà với diện tích vỏn vẹn 10 m2 và tích cực giới thiệu sản phẩm trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhờ vậy, chưa đầy 2 tháng sau, cậu đã có những khách hàng đầu tiên, có khoản thu nhập để xoay vòng vốn, mở rộng quy mô trang trại.

Đến nay, sau hơn một năm gắn bó với giun quế, Trường nhận không ít đơn hàng lên tới hàng chục tấn, diện tích trang trại từ 10 m2 đã phát triển lên đến hơn 500 m2. Để phát triển thương hiệu “Giun quế Hà Tây”, Trường còn tạo kênh Youtube và Facebook với hàng ngàn lượt theo dõi để thu hút khách hàng, đồng thời chia sẻ kỹ thuật nuôi giun cho mọi người.

Trường cho biết, nuôi giun quế không đòi hỏi số vốn lớn hay kỹ thuật phức tạp. Mỗi ngày, người nuôi chỉ cần cho giun ăn một lần vào buổi sáng. Để phòng bệnh, người nuôi chỉ cần kiểm soát tốt nguồn thức ăn không nhiễm hóa chất, tồn dư muối, vôi dễ làm giun chướng bụng, tím tái... ngoài ra không cần sử dụng bất cứ loại thuốc thú y nào.

Để tiết kiệm chi phí, Trường sử dụng nền đất, tre và bạt để làm trại, tận dụng phân bò miễn phí từ các trang trại, rau củ vứt đi ở chợ làm thức ăn nuôi giun. Ngoài ra, do giun chỉ ưa mức nhiệt từ 23-30°C nên Trường trồng thêm giàn bầu, bí và phun sương trên mái để hạ nhiệt cho giun trong những ngày nắng nóng.

Hiện nay, Trường đã sở hữu 2 trại giun tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai và xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Do cung chưa đủ cầu, anh đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi giun quế và nghiên cứu nuôi thêm ruồi lính đen để cung cấp nguồn thức ăn sạch, xử lý rác thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường.

Trải qua không ít khó khăn với sự chăm chỉ và không ngại tìm hướng đi riêng để phát triển kinh tế, Nguyễn Xuân Trường đã bước đầu thu được thành công từ mô hình nuôi giun quế. Với giá bán ổn định 15.000 đồng/kg giun sinh khối, 70.000 đồng/kg giun tinh, 3.500 đồng/kg dịch giun... mỗi năm chàng trai 9x này thu về khoảng 400 triệu đồng.

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của các bạn trẻ khi khởi nghiệp là thiếu vốn. Vì vậy, hai mô hình khởi nghiệp trên là lời gợi ý cho những bạn trẻ đang nung nấu khát vọng làm giàu. Những mô hình này không cần nhiều vốn, tận dụng được những sinh vật dễ nuôi và nguồn rác thải sẵn có đồng thời góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nên tỉ lệ thành công rất lớn.

ĐỌC NHIỀU