Giúp doanh nghiệp lấy lại động lực phát triển
Tổng cục Thống kê cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ tăng 7%. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới phục hồi chậm, cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Điều này đã dẫn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm.
Số liệu cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng. Nhưng ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Trong số này, Quảng Nam giảm 33,4%, Bắc Ninh giảm 18,6%, Vĩnh Long giảm 16,1%, Sóc Trăng giảm 15,5%… Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc cũng nằm trong danh sách này.
Đáng lo ngại, các trọng điểm sản xuất công nghiệp trong cả nước đều đang tiếp tục có xu hướng giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Cùng với việc giảm sút của chỉ số sản xuất công nghiệp đang tỷ lệ thuận với việc hàng loạt các doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động. Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 78,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ cuối quý III/2022, đơn hàng dệt may giảm từ 15 - 20%; đơn giá giảm 20 - 30%, thậm chí có đơn hàng giá giảm đến 40 - 50%. Đó là những điều trước đây chưa từng xảy ra.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, lũy kế hết quý I/2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tình hình khó khăn còn kéo dài.
“Các doanh nghiệp đang gồng mình để có đơn hàng, dù đơn giá thấp cũng nhận làm để không phải sa thải nhân công, nhưng vẫn có doanh nghiệp không trụ nổi. Tôi đề xuất, cơ quan nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn.
"Điều hành kinh tế vĩ mô tiếp tục chịu nhiều áp lực. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa, nhưng chưa được khai thác hết hiệu quả. Rủi ro dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo... tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tình hình trên đòi hỏi các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn; phát huy kết quả đã đạt được trong tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nền kinh tế, các thị trường; tranh thủ cơ hội, dư địa chính sách để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi kinh tế, phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như: tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ban hành chính sách hỗ trợ về nhiều mặt. Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu để phát triển thị trường cho doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, nhất là chú trọng cầu, thúc đẩy thị trường trong nước làm trụ đỡ khi nhiều thị trường nước ngoài gặp khó.
Cụ thể là triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…