Gỗ An Cường (ACG): Lợi nhuận cả năm ‘gần như chắc chắn’ đạt 600 tỷ đồng

Trang Mai 17:46 | 25/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây, Gỗ An Cường cho biết đã hoàn thành 93% doanh thu và vượt nhẹ lợi nhuận kế hoạch năm trong 11 tháng kinh doanh.

Kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra

Mới đây (22/12), Gỗ An Cường đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 11 tháng đầu năm 2022, theo đó doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 3.950 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 553 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 45,6% so với cùng kỳ 2021. Như vậy,  Gỗ An Cường đã hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2022.

Theo thông tin từ Gỗ An Cường, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ năm trước nhờ vào doanh thu tiếp tục tăng trưởng và chi phí sản xuất được tối ưu, đồng thời cơ cấu doanh thu dịch chuyển theo hướng tích cực.

Doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch cả năm trong tháng 12 bởi đây là tháng cao điểm đối với hoạt động kinh doanh.

 

Tại 30/9, ACG ghi nhận tổng tài sản 5.280 tỷ đồng, tăng 297 tỷ đồng từ đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 1.527 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản, gồm: tiền mặt 30 tỷ đồng, 308 tỷ đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 1.189 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). Hàng tồn kho doanh nghiệp còn 1.502 tỷ đồng, bao gồm 26 tỷ đồng dự phòng giảm giá. 

Ngoài ra, ACG có khoản 513 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, gồm 394 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và 119 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác. 

Hết quý III, ACG có nghĩa vụ nợ 1.389 tỷ đồng, tăng 183 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 1.380 tỷ đồng. Vay ngắn hạn ghi nhận 675 tỷ đồng, chiếm 48% tổng nợ. 

Trước đó, vào sáng 10/10, gần 136 triệu cp ACG bắt đầu giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) với giá tham chiếu 67.300 đồng/cp, tương đương hơn 9,1 nghìn tỷ đồng vốn hóa. Tuy nhiên, cùng nhịp với diễn biến giảm chung của thị trường trong thời gian này, giá cổ phiếu ACG sau đó cũng chìm sâu. Kết phiên 23/12, thị giá ACG còn 35.000 đồng/cp, giảm 48% so với mức giá tham chiếu kể trên.

Kỳ vọng phát triển trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều biến động

Trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới sẽ còn nhiều biến động, nhất là khi nhiều chuyên gia dự báo bất động sản sẽ “đóng băng” trong cả năm 2023, trả lời cổ đông, ông Lê Đức Nghĩa – Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường khẳng định: “Để chuẩn bị cho năm 2023, chúng tôi đã chuẩn bị những sách lược để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi nói riêng và Ban lãnh đạo An Cường nói chung, những thời điểm tình hình thị trường bất động sản khó khăn thì An Cường lại ghi nhận kết quả tăng trưởng khá tốt”.

Vị Chủ tịch HĐQT cũng đánh giá đây chỉ là tình huống ngắn hạn vì nhu cầu thực tế vẫn đang có. “Bản thân tôi đánh giá dòng tiền thời gian qua đổ vào bất động sản quá lớn nên chúng tôi đã lường trước tình thế như hiện tại. An Cường đã chủ động giảm tỷ trọng doanh thu từ các dự án bất động sản, từ mức 30% - 40% của 2 năm 2019-2020, về mức 20% trong năm 2021, và trong năm 2022, tỷ trọng doanh thu từ nhóm này chỉ hơn 10%. Với mức tỷ trọng doanh thu hiện tại thì ngành bất động sản không có quá nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của An Cường.” - Ông Nghĩa nói. 

Đồng thời, đại diện công ty cũng khẳng định: “Chúng tôi vừa công bố số liệu kinh doanh 11 tháng với mức tăng trưởng lợi nhuận gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Cho cả năm 2022, gần như chắc chắn chúng tôi sẽ đạt 600 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng khoảng 35% so với mức 451 tỷ đồng lợi nhuận của 2021. Bản thân tôi đang kỳ vọng con số thực tế sẽ hơn 600 tỷ”.