Gỡ khó dòng vốn cho doanh nghiệp
Khó càng thêm khó
Sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, bà Lê Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty Cổ phần Biotech Group Việt Nam cho biết sau mấy năm đại dịch COVID-19 kéo dài, nguồn vốn dự phòng của doanh nghiệp cạn kiệt. Trong khi đó, dây chuyền sản xuất đã khấu hao, các sản phẩm thương mại, dịch vụ cũng cần đầu tư theo hướng kinh doanh mới.
"Do đó, nguồn vốn đầu tư mới trong giai đoạn này là rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề về tài sản đảm bảo vẫn là một trong những rào cản chính khiến doanh nghiệp khó vay được vốn ngân hàng", bà Dung nhấn mạnh.
Theo đó, với các doanh nghiệp có tài sản cố định như nhà xưởng thì có thể mang tài sản đó ra thế chấp để vay vốn. Nhưng với những doanh nghiệp mà nhà xưởng là đi thuê, không có tài sản cố định để thế chấp, máy móc khấu hao đem thế chấp cũng không vay được là bao. "Khó càng thêm khó. Nên trong các trường hợp cần dòng vốn quay vòng nhanh, thường các lãnh đạo công ty phải mượn tạm "sổ đỏ" của người thân trong gia đình để thế chấp vay", vị giám đốc chia sẻ.
Tình trạng khát vốn nhưng khó tiếp cận tín dụng của các ngân hàng không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp nào. Bà Hồ Nguyệt, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Hoàng Hà đánh giá thời điểm này đang là lúc các doanh nghiệp gồng mình để vượt qua khó khăn nên nhu cầu vốn khá lớn.
"Là doanh nghiệp chuyên về gia công, nhu cầu vốn vay của Hoàng Hà khá là lớn nhưng việc tiếp cận vốn vẫn còn hạn chế. Tài sản đảm bảo đã hoặc đang được thế chấp để vay ở thời điểm trước nên doanh nghiệp hiện tại không còn tài sản để thế chấp ngân hàng. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, tài sản không phải lúc nào cũng sẵn có để huy động kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp", bà Nguyệt cho hay.
Thực tế, việc khó tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp còn đến từ nhiều phía, không chỉ riêng vấn đề tài sản đảm bảo. Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho rằng ngân hàng luôn mong muốn tài trợ cho các khách hàng doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi và tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch. Tuy nhiên tại phần lớn các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME hoặc phân khúc siêu nhỏ tại Việt Nam, khả năng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng nói chung còn rất hạn chế. Do đó dẫn đến việc các tổ chức tín dụng thường yêu cầu phải có tài sản đảm bảo khi xem xét cấp tín dụng.
Ngoài vướng về hồ sơ năng lực và tài sản đảm bảo, theo bà Vũ Nam Hương, Phó Tổng Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), các doanh nghiệp SME cũng chưa dành thời gian hoặc chưa biết tiếp cận được đúng và đủ các khoản vay, các chính sách ưu đãi của ngân hàng dành cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp SME thường là vốn ngắn hạn nên quy trình phê duyệt của các ngân hàng nếu không được đẩy nhanh sẽ làm trôi mất thời điểm doanh nghiệp cần vốn, cung - cầu khó gặp nhau.
Gỡ nút thắt cung - cầu
Cầu lớn, cung cũng đã sẵn sàng với hàng loạt gói cho vay ưu đãi từ các ngân hàng. Đơn cử như gói tín dụng quy mô đến 11.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,8%/năm của SHB, tập trung hướng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư công...; các gói lãi suất ưu đãi của LPBank có quy mô 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, 5.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu, 300 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy hải sản...
Nhưng thực tế cho thấy dù nguồn vốn đang dồi dào nhưng sức hấp thụ của doanh nghiệp và nền kinh tế còn rất yếu. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 4/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế mới đạt trên 1%, tuy cao hơn mức tăng trưởng âm của 2 tháng đầu năm nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp, ngân hàng cũng không thể "khoanh tay". Tại SHB, ông Đinh Ngọc Dũng cho biết ngân hàng định hướng đồng hành, xây dựng các giải pháp tài chính cho khách hàng doanh nghiệp SME, đặc biệt là phân khúc khách hàng siêu nhỏ để giúp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng.
"Trên cơ sở tư vấn của Quỹ đầu tư quốc tế IFC, SHB đã và đang xây dựng các chuỗi giá trị, hướng đến cung cấp các sản phẩm cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết từ người nông dân đến các cái doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp sản xuất, các nhà phân phối. Thông qua việc tài trợ chuỗi, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền của khách hàng, đồng thời có cơ sở để giảm được chi phí vốn và qua đó giảm lãi suất cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị này", ông Dũng cho biết.
Trong khi đó tại LPBank, bà Vũ Nam Hương nhấn mạnh vào yếu tố quản trị và công nghệ. Cụ thể, LPBank liên tục cơ cấu lại quy trình, số hóa các quy trình nghiệp vụ, chuẩn hóa quy trình phê duyệt tín dụng và nâng cao năng lực quản trị rủi ro để đảm bảo phê duyệt tín dụng được thực hiện kịp thời nhưng cũng đảm bảo được các chỉ số an toàn, tỉ lệ nợ xấu giảm trong thời gian tới. Đồng thời, ngân hàng cũng tối ưu hóa các nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản, nghiên cứu ra các cái sản phẩm cho khách hàng mục tiêu, nhưng cũng đảm bảo được sức khỏe tài chính của LPBank.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, câu chuyện thiếu vốn tại thời điểm này cũng như thời gian tới là không có bởi huy động vẫn đang dồi dào và Ngân hàng Nhà nước sử dụng các biện pháp để luôn tạo thanh khoản cho nền kinh tế. Nếu như có dự án hiệu quả, đáp ứng được những điều kiện về tiêu chuẩn tín dụng tối thiểu thì chắc chắn sẽ được cung ứng đủ nguồn vốn.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 4462/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu toàn hệ thống duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý; nỗ lực giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay; phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II năm 2024 ở mức 5-6%. Đồng thời, hướng dòng vốn tín dụng ưu tiên các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội..., nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.