Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

17:10 | 05/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những năm gần đây, Chính phủ đã tập trung rất nhiều nguồn lực vào cải cách và đưa ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm tỷ lệ lớn

Trong xu hướng mở rộng giao thương toàn cầu, những năm qua trên bảng xếp hạng người giàu của thế giới những cái tên của người Việt đã không còn là trường hợp hiếm gặp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đã vươn mình đặt dấu ấn ở nhiều lĩnh vực và khẳng định được vị thế cũng như các thành tựu đạt được như: Vingroup, Trường Hải, TH True Milk, Masan, Hòa Phát… Tuy nhiên, đây chỉ là những con số nhỏ bởi trên thực tế phần lớn các DN Việt vẫn đang nằm ở quy mô vừa và nhỏ.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Phát triển DN (Bộ KHĐT), hiện nay tính theo quy mô lao động, có tới 97,7% DN Việt có quy mô nhỏ và vừa. Xét về quy mô vốn, những DN này cũng chiếm đến 94,8%. Đáng lưu ý hơn, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lớn; số DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%. Chính quy mô vốn hạn chế là một trong các trở ngại lớn khiến các DN này không tận dụng được hiệu quả kinh tế. Đồng thời, cũng không có đủ năng lực tài chính để đầu tư vào tài sản cố định, máy móc công nghệ để giảm chi phí.

Mặc dù chiếm tỉ trọng khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam và vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng và phát triển, nhưng DN vừa và nhỏ đã đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm mỗi năm.
Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - ảnh 1
 Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm tỉ lệ lớn.

Theo GS. TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kinh tế Việt Nam: Mới đây Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 để phát triển DN của Chính phủ cũng là “cú hích” quan trọng tháo bỏ rào cản đang cản trở DN phát triển. Ví dụ, vấn đề đóng thuế, đóng bảo hiểm, doanh nghiệp mất thời gian về thông quan, xuất nhập khẩu… Nhưng trên thực tế, DN vừa và nhỏ vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn cản trở. Trong đó, phải kể tới các thủ tục hành chính còn rườm rà; DN gặp khó trong tiếp cận đất đai do thủ tục giải phóng mặt bằng, cho thuê đất; DN khó tiếp cận vốn vay, lãi suất vay vốn cao; DN phải trả nhiều loại chi phí và chi phí cao; thanh kiểm tra còn chồng chéo.

Gỡ nút thắt vốn để doanh nghiệp phát triển

Mặc dù chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng số DN hiện nay, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, DN vừa và nhỏ hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Trong đó, có nguyên nhân về thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp, tỉ lệ vốn vay của DN vừa và nhỏ còn khiêm tốn...

Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đầu tư thì việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm gần đây cũng là những đề án và chủ trương được Chính phủ rất quan tâm và khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận nguồn vốn cũng như xu hướng phát triển hiện đại của những doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - ảnh 2
 Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Khối SME, Ngân hàng CP thương mại Phương Đông Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Khối SME, ngân hàng cổ phần thương mại Phương Đông Việt Nam cho biết: Số lượng DN vừa và nhỏ đang chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên trên thực tế chỉ có 3% DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay ngân hàng. Một phần do năng lực tài chính của các DN thấp dẫn tới nhiều rủi ro trong các khoản vay đối với ngân hàng. Đặc biệt, việc các DN trong lĩnh vực này không có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh không khả thi cũng là điểm yếu khiến các ngân hàng dè dặt đầu tư vào các DN này.
Do đó, để giải quyết được tình trạng này, ngân hàng cũng cần thay đổi góc nhìn truyền thống bằng cách thay đổi tiêu chí thẩm định một DN vừa và nhỏ thông qua các báo cáo tài chính, đồng thời sử dụng các sản phẩm dành riêng cho các DN vừa và nhỏ, cũng như cần phải xây dựng nền tảng quản trị rủi ro tổng danh mục. Bên cạnh đó, yêu cầu khách hàng cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, đặc biệt tập trung thẩm định thực địa và phương án kinh doanh cũng như dòng tiền của những DN này. Đồng thời, DN cũng cần thay đổi để đáp ứng những yêu cầu từ phía ngân hàng, cụ thể như DN phải kinh doanh thật, phải có dòng tiền về và phương án kinh doanh khả thi, bà Nga cho biết thêm.
Vì vậy, ngoài việc giải quyết tốt nhất vấn đề vướng mắc hiện nay về cơ chế vay vốn thì môi trường làm việc, những chính sách về thuế và thị trường cũng cần mở rộng để DN vừa và nhỏ có thể cạnh tranh bình đẳng.