Góc khuất đấu thầu: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

08:09 | 18/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những năm vừa qua, hàng loạt các cán bộ, đơn vị doanh nghiệp bị khởi tố, cấm tham gia đấu thầu để trả giá cho những hành vi gian lận trong đấu thầu của mình.
Lời toà soạn:
 
Mặc dù mục tiêu của việc đấu thầu là tìm được nhà thầu thỏa mãn các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng với chi phí thấp nhất, mang lại lợi ích cho chủ đầu tư cũng như tiết kiệm tối đa ngân sách cho nhà nước.
 
Tuy nhiên, nhiều năm qua hàng trăm nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác đã được huy động để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội… lại đang bộc lộ nhiều điểm bất thường khi nhiều gói thầu thường xuyên có mức tiết kiệm nguồn vốn đầu tư “siêu thấp”, không đáng kể chỉ mang tính tượng trưng gây thất thoát lớn cho nhà nước.
 
Hay chuyện những doanh nghiệp, nhà thầu “quen mặt” thường xuyên trúng nhiều gói thầu rất sát giá. Đặc biệt đây nhất là việc “thổi” giá trang thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai, câu kết nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC, việc gian lận đấu giá đất Đường “Nhuệ” ở Thái Bình… đã gây bức xúc trong dư luận.
 
Trả giá cho những hành vi gian lận trong đấu thầu là hàng loạt các cán bộ, đơn vị doanh nghiệp bị khởi tố, cấm tham gia đấu thầu để thể hiện sự nghiêm mình của pháp luật.
 
Ngày 1/9 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Góc khuất đấu thầu: Một loạt đơn vị bị khởi tố, tạm giam
 
Đồng thời, C03 ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn, chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền, phó giám đốc.
 
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS).
Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
 
C03 cho biết đã phát hiện một số dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.
 
Kết quả điều tra ban đầu xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
 
Trước đó, cuối tháng 4/2020, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid – 19 thì một số cá nhân lại lợi dụng thời điểm này để trục lợi bất chính. Cơ quan điều tra Bộ công an đã ra quyết định khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
 
Đến tháng 7, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Dung (trưởng phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội, phó chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm CDC Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội). Sau đó, tiếp tục khởi tố bị can đối với Hoàng Kim Thư (33 tuổi), kế toán trưởng phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội, về tội danh như trên.
 
Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC Hà Nội, và đồng phạm trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm COVID-19. Các bị can này có hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế.
 
Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
 
Góc khuất đấu thầu: Một loạt đơn vị bị khởi tố, tạm giam
 
Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
 
Liên quan đến vấn đề này, Trung tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ công an cho biết qua nắm tình hình, có nhiều địa phương trong cả nước cũng tổ chức mua thiết bị y tế liên quan đến hóa chất, khẩu trang y tế để chống dịch COVID-19. Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành khẩn trương rà soát, chấn chỉnh thẩm định và thanh tra.
 
Không chỉ khởi tố, những năm vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã bị cấm thầu với những hành vi gian lận của mình.
 
Trả lời trên báo chí, ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã kí quyết định xử lý sai phạm đối với Công ty CP Tư vấn và Xây dựng tổng hợp Bình Dương và Công ty TNHH Xây dựng Dũng Tâm vì đã có hành vi làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu Thi công xây dựng Dự án Khu điều trị 300 giường (Khoa Sản) thuộc dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (bệnh viện 1.500 giường). Hai doanh nghiệp này đã bị cấm tham gia hoạt động tư vấn lựa chọn nhà thầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương với thời hạn 3 năm.
 
Hay mới đây, Cục Quản lý Đường bộ I vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị xử lý nhà thầu là Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Bình Minh trong quá trình đấu thầu gói thầu sửa chữa hư hỏng mặt đường và công trình trên tuyến đoạn Km154-Km158+800, QL3, tỉnh Bắc Kạn.
 
Cục Quản lý đường bộ I cho hay, Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Bình Minh có hành vi gian lận trong đấu thầu, vi phạm Luật đấu thầu và bị loại không được xem xét các bước tiếp theo.
Cơ quan này cũng kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấm nhà thầu Công ty CP Đầu tư và xuất nhập khẩu Bình Minh tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án do Cục Quản lý đường bộ I làm chủ đầu tư, thời gian cấm trong vòng ba năm kể từ ngày 24/8/2020.
 
Có thể nói, chưa bao giờ hành vi gian lận của các nhà thầu bị phát giác, lật tẩy nhiều và chính xác như thời gian gần đây.
 
Tại chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Giao Cục Quản lý đấu thầu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những hành vi tiêu cực, vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện công tác truyền thông rộng rãi về các nội dung của Chỉ thị này.
 
Còn theo các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, cần phải thật mạnh tay với hành vi gian lận của nhà thầu để loại trừ những nhà thầu yếu kém ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, phải gắn trách nhiệm với các chủ đầu tư, bên mời thầu khi để xảy ra việc “chọn nhầm” nhà thầu, dẫn tới chậm triển khai các dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công hay dẫn đến việc nâng khống giá thầu gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
 
Việc gian lận trong đấu thầu không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là vấn đề nan giải và chưa thực sự giải quyết được triệt để. Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu, PV tìm hiểu và đưa tin chính xác nhất về công tác đấu thầu nhằm giúp chính quyền đưa ra những giải pháp chấn chỉnh, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong những bài tiếp theo.
 
HOÀNG QUÂN
 

ĐỌC NHIỀU