Góc khuất giao dịch khiến nhà đầu tư lan đột biến mất trăm tỷ nhưng không dám báo công an?
Thực tế có nhiều vụ lừa đảo đầu tư lan đột biến khiến nạn nhân mất tới hàng trăm tỷ đồng nhưng không phải ai cũng trình báo công an. Nguyên nhân đến từ góc khuất trong giao dịch giữa chủ vườn và người mua.
Liên quan đến vụ chủ vườn lan đột biến Hà Thanh ở xã Hòa Nam (xóm chợ Định Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được cho là “cuỗm" 200 tỷ đồng của người mua lan đột biến rồi mất tích không dấu vết, hiện nay có nhiều thông tin cho rằng số tiền thực tế có thể lên tới 700 tỷ đồng.
Bởi lẽ, theo đánh giá của dân chơi lan đột biến lâu năm, phần lớn lan đột biến khách hàng đặt của chủ vườn ở xã Hòa Nam là các "kei" (thân mầm non thường mọc ra ở thân lan khi đã xuống lá) giống hiếm như Ngọc Sơn Cước, Bạch Tuyết, Bảo Duy….
Đây là những loại lan theo định giá thị trường từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cm. Do đó số tiền mà chủ vườn "cuỗm" đi có thể thể nhiều hơn 200 tỷ đồng cũng không có gì ngạc nhiên.
Vườn lan đột biến Hà Thanh hiện đóng cửa
Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, chính quyền và công an địa phương đã vào cuộc xác minh. Ngày 13/4, Công an huyện Ứng Hòa cho biết đã tiếp nhận 3 đơn trình báo về việc chuyển tiền cho chủ vườn lan Hà Thanh để mua bán lan đột biến, tổng số tiền theo đơn trình báo khoảng 11 tỉ đồng.
Nhận được trình báo, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội, đã chỉ đạo Công an huyện Ứng Hòa khẩn trương xác minh, triệu tập những người liên quan để điều tra.
Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Trưởng công an huyện Hoài Đức (Hà Nội), cho biết tính đến chiều cùng ngày, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 8 đơn trình báo và đã giao các đội nghiệp vụ phân loại để điều tra. Tuy nhiên, các đơn trình báo này tố cáo bị chủ vườn lan đột biến ở nhiều nơi khác lừa đảo như Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình.
"Tôi chưa được báo cáo nhưng liên quan đến lan đột biến thì giá trị phải lên tới hàng trăm triệu đồng trở lên”, thượng tá Mẽ cho hay.
Có thể thấy, các vụ lừa đảo mua lan đột biến gây thiệt hại với số tiền hàng trăm tỷ nhưng rất ít nạn nhân tới trình báo cơ quan chức năng. Trước đó, ông Nguyễn Như Tuyển, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam cho biết, việc không có đơn thư trình báo khiến chính quyền địa phương không có cơ sở xác minh việc chủ vườn lan Hà Thanh lừa đảo. Trong khi đó, thực tế tại nhà vườn vẫn mở cửa, nhưng không thấy chủ vườn, người nhà cũng không liên lạc được, chưa có căn cứ nói chủ vườn bỏ trốn.
Nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân đầu tư lan đột biến dù có nguy cơ mất cả trăm tỷ cũng không chắc dám trình báo cơ quan chức năng là bởi đặc điểm thương vụ mua bán.
Các giao dịch chỉ thực hiện bằng miệng, chỉ có tờ giấy viết tên và loại kie đặt mua
Theo anh Đỗ Đức Lộc (Nam Định) một người trong giới chơi lan đột biến cho biết, giới đầu tư khi bị mất thường sẽ ngại báo công an. Bởi lẽ người mua và chủ vườn chủ yếu giao dịch bằng niềm tin và may rủi.
Đôi bên giao kèo chủ yếu bằng miệng. Khi mua bán, nếu ưng ý thì chuyển tiền qua tài khoản nên người mua, người bán cũng chẳng có giấy tờ gì chứng minh. Nếu mua kie lúa non, cũng chỉ là một tờ giấy viết tên và loại kie đặt mua. Do đó, nếu có sự cố xảy ra dù trình báo chính quyền địa phương cũng không giải quyết được gì.
|"Thậm chí, còn mất thời gian để khai báo, đến làm việc với chính quyền trong khi tiền không lấy lại được. Thôi thì, của đi thay người", anh Lộc nói. Giới chơi lan đột biến thường bảo nhau chọn nhà vườn uy tín nhưng một khi niềm tin đặt sai chỗ, mất cả tiền tỷ cũng chỉ biết chấp nhận.
Hà Ly