Góc nhìn về quan hệ đối tác công – tư từ khía cạnh hợp đồng
336 dự án PPP đã được ký kết
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư theo hình thức PPP đã được áp dụng tại Việt Nam. Đây là một giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Theo số liệu từ Chính phủ khi tổng kết về tình hình thực hiện dự án PPP, tính đến thời điểm tháng 1/2019, cả nước đã có 336 dự án PPP ký kết hợp đồng (trong đó có 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh -chuyển giao), 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác), với tổng số vốn huy động được lên đến hơn 1.600.000 tỷ đồng.
“Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới và mô hình PPP được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Phòng nói.
Cùng nhấn mạnh về tầm quan trọng của mô hình PPP, ông Le Ho Won, Chủ tịch KCAB cho rằng việc phối hợp tổ chức các sự kiện chuyên môn như hội thảo này sẽ phục vụ không chỉ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc mà còn các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tìm tới Việt Nam như một điểm đến đầu tư khả thi và ổn định.
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thêm: “Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa mới công bố dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), có những nội dung về PPP, xin ý kiến góp ý rộng rãi, để hoàn thiện trình Chính phủ. Đây là khung khổ pháp lý hết sức quan trọng để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư của tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Hòa giải thương mại - xu hướng giải quyết tranh chấp
Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự Hội thảo đều cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án PPP có thể phát sinh nhiều tranh chấp như tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án, tranh chấp giữa các nhà đầu tư với nhau, hay tranh chấp giữa nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án với người dân.
Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình thạc sĩ Quản lý công - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng hợp đồng trong bối cảnh PPP vô cùng rắc rối. Bởi hợp đồng PPP như trong BOT giao thông là phải thu từng đồng tiền lẻ của người đi ô tô, xe máy trong khi phải bỏ ra hàng triệu USD để đầu tư. Nếu luật pháp biến đổi, dòng tiền biến ảo thì rủi ro vô cùng nhiều.
“Về bản chất, hợp đồng PPP không thể là khế ước ràng buộc lâu dài. Nó phải là một “ma trận” nơi hợp đồng PPP được thiết kế thông minh nhất. Tức là phải lắng nghe được tiếng nói của những ai tham gia trò chơi. Hợp đồng PPP phải là kịch bản để ứng xử một cách linh hoạt nhằm đảm bảo lợi ích tương đối hài hòa giữa các bên”, ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, tranh chấp trong mối quan hệ giữa các bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân thường liên quan đến mức phí, vị trí đặt trạm BOT, đối tượng chịu phí, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bởi vậy, những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện dự án PPP cần phải được các bên liên quan tìm cách tháo gỡ, xử lý kịp thời để tránh nguy cơ leo thang tranh chấp, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh chung của đất nước.
Khi xảy ra tranh chấp trong các hợp đồng PPP, các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp bằng nhiều hình thức khác nhau như sử dụng tòa án, trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại.
“Giải pháp ngày càng phổ biến và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong thực hiện dự án PPP là sử dụng trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại”, ông Phan Trọng Đạt – Phó Tổng Thư ký VIAC, khẳng định.
Ưu điểm mà ông Đạt đưa ra khi sử dụng phương án trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại bao gồm tính bảo mật cao, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí. Rất nhiều nước trên thế giới đang ưu tiên xử lý tranh chấp PPP bằng hình thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.