Gói 350 nghìn tỷ được triển khai tích cực, vẫn lo lạm phát cản đà phục hồi

Nguyễn Thị Thùy Dung 15:53 | 08/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương từng nói: “Giá xăng tăng là giá phở tăng liền”. Nhiều chuyên gia lo áp lực lạm phát tăng sẽ là lực cản với phục hồi kinh tế, dù gói 350 nghìn tỷ của Chính phủ đã và đang được đôn đốc triển khai.

Tiến độ triển khai gói 350 nghìn tỷ khá tích cực

Phát biểu tại Diễn đàn đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định cần quyết liệt gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ trong Chương trình để đảm bảo giải ngân hiệu quả trong 2 năm.

"Có vướng mắc thì đề nghị phản ánh kịp thời, phản ánh riêng lẻ hoặc thông qua, tốt nhất là thông qua hiệp hội các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, gửi văn bản tới lãnh đạo bộ, bộ trưởng. Chúng tôi sẽ chỉ đạo và tôi cũng chủ trương mỗi tháng sẽ giao ban trực tuyến một lần với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ", Bộ trưởng Bộ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: MOF)

Trước đó, theo cập nhật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình thực hiện Chương trình, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết các nhiệm vụ liên quan đều được các bộ ngành thực hiện hết sức tích cực, bám sát tiến độ yêu cầu của Nghị quyết 11.

Đầu tiên là nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. “Theo báo cáo sơ bộ, hiện nay số tiền thực hiện miễn giảm thuế là khoảng 9.000 tỷ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin. Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành hồi cuối tháng 3 như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động hay hướng dẫn Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến cơ chế đặc thù về khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam.

Thứ hai là nhóm cơ chế, chính sách mà các bộ, ngành cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 11 là trình văn bản, dự thảo các quy định pháp quy lên Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định, cụ thể như: Dự thảo Nghị định về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại , Dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu và Dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng chính sách xã hội.

Theo Thứ trưởng Phương, cả 3 dự thảo trên đều đã được các bộ ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định.

Thứ ba là các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền, đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan như sửa đổi Thông tư số 12 năm 20216 về sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp hay dự thảo Thông tư về trang bị máy tính bảng cho chương trình "Sóng và máy tính cho em", dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục, trình tự lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Lo lạm phát làm giảm hiệu quả phục hồi

Từ năm 2021, giới chuyên gia đã dự báo áp lực kiểm soát lạm phát năm 2022 là rất lớn. Trong bối cảnh biến động địa chính trị quốc tế gây áp lực lên thị trường giá toàn cầu nói chung và lạm phát trong nước nói riêng, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngày một khó khăn.

Chia sẻ với Doanh nhân Việt Nam về nguy cơ lạm phát tăng vọt, đặc biệt do giá xăng dầu neo cao, làm giảm hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thừa nhận tác động cục bộ.

“Lúc ban hành Chương trình, có thể người ta chưa tính đến kịch bản giá xăng dầu tăng cao và lạm phát có nguy cơ tăng mạnh như vậy. Người ta kỳ vọng gói đó thúc đẩy tăng trưởng lên mức 6,5-7%, nhưng khi giá xăng dầu lên cao như hiện nay làm tăng sức ép lạm phát, thậm chí tác động đến tăng trưởng kinh tế, thì một số gói có thể phải tính toán lại”, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết.

“Không thể nào có chuyện không ảnh hưởng được, nhất là các gói cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn trước kia tính toán dự án này 10 tỷ, nhưng giờ giá xăng, giá nguyên vật liệu tăng thì chắc chắn phải tính toán lại, như người ta thường nói là phải bù giá. Giá xăng dầu, giá thép, giá nguyên vật liệu xây dựng mà tăng thì sẽ đội chi phí các công trình lên rất cao... Còn với chính sách giảm thuế VAT 2%, khi giá xăng dầu tăng cao, chắc chắn hiệu quả của gói này trong việc kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng cũng sẽ giảm phần nào", ông Lâm nói thêm.

Ở một góc nhìn tích cực hơn, TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng nên nhìn nhận theo hướng các chính sách như giảm thuế VAT… của Chính phủ sẽ hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước giảm thiểu tác động tiêu cực của lạm phát và tăng giá xăng dầu.

“Ta phải xác định giá xăng dầu tăng là xu hướng chung của thế giới, còn gói hỗ trợ của Chính phủ, chẳng hạn như giảm thuế VAT… vừa giúp giảm chi phí doanh nghiệp, vừa kích cầu được tiêu dùng, bù đắp thiệt hại do giá xăng tăng”, ông Thịnh nói.