Gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ cho ngành lâm, thuỷ sản: Triển khai càng sớm càng tốt, nhưng không thể 'thả gà ra đuổi'
Ngày 19/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng), thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình. Các ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Doanh nghiệp thiếu vốn và kỳ vọng gói tín dụng được “đi tới”
Đánh giá những khó khăn trong quá trình hấp thụ vốn, chia sẻ tại Hội thảo tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp sáng 25/7 tại Hà Nội, ông Vũ Công Huân, Giám đốc CTCP Tập đoàn HDC cho biết: “Với mảng xuất khẩu thuỷ sản, 6 tháng đầu năm thực sự là giai đoạn khó khăn. Nhu cầu và số lượng đơn hàng giảm 25-27%. Mặc dù giá nguyên vật liệu hiện tại giảm 30-35% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Cũng theo ông Huân, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và HDC nói riêng đang thiếu nguồn vốn để bán để bán được hàng, hiện tại chỉ đáp ứng được 35% trong tổng số đơn hàng đặt.
“Chúng tôi có tiếp cận 3 ngân hàng có thể cấp hạn mức vốn cho doanh nghiệp. Hạn mức cấp khoảng 80 tỷ, tuy nhiên hạn mức giải ngân tín chấp chỉ khoảng 8-10 tỷ, rất thấp so với hạn mức. Phía ngân hàng có yêu cầu tài sản đảm bảo, mà doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi thì gần như không thể đáp ứng được, mặc dù dòng tiền rất tốt, các khách hàng là những tập đoàn lớn, trong 4 năm chưa có ngày nào dòng tiền từ khách hàng về chậm quá 5 ngày” - Giám đốc HDC cho hay.
Ông Huân cho biết, không thể đáp ứng đầy đủ các đơn hàng do thiếu vốn lưu động sẽ làm giảm năng lực của doanh nghiệp. Khi bán hàng, các khách hàng sẽ nợ lại doanh nghiệp khoảng 2 tháng, trong khi mua hàng của nông dân bằng tiền mặt. Trong 2 tháng đó, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng đồng hành, thậm chí có thể chuyển dòng tiền khách hàng đang nợ về để ngân hàng kiểm soát, hoặc tăng hạn mức giải ngân để doanh nghiệp bảo đảm dòng vốn lưu động.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Mạnh - Tổng Giám đốc CTTM Cổ Phần Phát Triển Sản Xuất Thương Mại Sài Gòn (SADACO) cho rằng, với các doanh nghiệp, dòng vốn ở ngân hàng đang có “điểm nghẽn”. “Việc hạ lãi vay vào thời điểm này đã tốt hơn rất nhiều, do doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi chi phí đầu tư, chi phí sản xuất tăng, một trong những yếu tố tác động lớn nhất là lãi vay ngân hàng. Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi. Rất nhiều gói vay đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhưng không tới được doanh nghiệp do sự cản trở của các điều kiện cho vay” - đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mạnh, với ngành gỗ, trước đây việc đi vay khá dễ dàng do có dòng vốn ổn định. Nhưng gần đây khó hơn do “kẹt” đầu ra. “Hầu hết đầu ra của xuất khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng đều gặp tình trạng giảm sút, do đó vòng quay vốn dài ra. Trước kia 6 tháng thì bây giờ có thể lên tới 9 tháng hoặc hơn, nên điều kiện cho vay đã bị thắt chặt lại”.
Xét về tác động của gói tín dụng 15.000 tỷ này, đại diện gỗ SADACO cho rằng nếu được giải ngân và có thể tới được ngành gỗ thì sẽ giúp hạ chi phí sản xuất đầu vào, từ đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh, nhất là trong điều kiện khó khăn như hiện nay. “Đã có những tín hiệu phục hồi, các đơn hàng đã bắt đầu có, tuy nhiên vẫn khá yếu. Thêm vào đó là giá bán đã không còn được như trước. Do đó, doanh nghiệp muốn tồn tại thì bắt buộc chi phí đầu vào thấp xuống, một trong số đó là lãi vay.”
Chuyên gia: 'Thả gà ra đuổi' có thể dẫn tới rủi ro nợ xấu
Nhìn chung, chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng được 12 ngân hàng cam kết, mặc dù chưa phải là lớn cho cả ngành, nhưng là cửa sáng cho các doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay ngành nào cũng gần những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. “Nếu giải ngân được thì rất tốt khi nhiều đơn vị đang đói vốn, khát vốn. Đồng thời, điều này cũng giải toả cho ngân hàng khi nhiều nơi có tiền nhưng không “tiêu hoá” được, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu chỉ “thả gà ra đuổi” thì sẽ dẫn tới rủi ro nợ xấu, đây cũng là tác nhân để Ngân hàng Nhà nước ra thông tư số 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Thường Lạng – giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Tôi nghĩ gói tín dụng này đáng lý phải làm 2 năm trước. Đây là một trong những chiến lược của Quốc hội trong vấn đề phục hồi kinh tế trung và dài hạn. Đến nay tung ra tuy chậm nhưng chắc chắn sẽ có tác động tốt. Gói này sẽ giúp hồi sinh doanh nghiệp trong giai đoạn khát vốn. Có thể chấp nhận mất đi một phần của gói này nhưng sẽ cứu lại một mảng doanh nghiệp rất lớn, lên tới hàng trăm nghìn”.
Đề xuất một vài giải pháp để gói tín dụng nhanh chóng đi vào thực tiễn chuyên gia cho biết cần phải tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt những rào cản, thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Đồng thời xây dựng đội ngũ, bao gồm cả nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, tất cả tập trung xử lý gói này để kích nền kinh tế lên, đưa gói tín dụng được giải ngân sớm.
“Trong điều kiện khó khăn, cần những gói hỗ trợ, những giải pháp để chấp nhận sự thua thiệt về phía Nhà nước, chấp nhận thu lãi chậm, trả thuế chậm,... để doanh nghiệp sớm ngày phục hồi” - ông Lạng nhận định.
Ở một góc nhìn khác, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, vấn đề của các ngành xuất khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng trong thời điểm hiện tại không phải là thiếu vốn, mà là thiếu đơn hàng, thiếu đầu ra. “Gói tín dụng 15.000 tỷ cho thuỷ sản và lâm nghiệp với lãi suất có giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp gỗ hưởng ứng không quá mạnh. Điều kiện để tiếp cận, hấp thụ vốn là cũng phải có đơn hàng, tổ chức sản xuất cần đến vốn thì ngân hàng mới cho vay, mà cũng thế thì doanh nghiệp mới dám vay. Theo tôi, trong thời điểm hiện tại, gói này sẽ chưa giải quyết được nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu, mà sẽ cần hơn với đơn vị sản xuất”.
“Kinh tế thế giới có tín hiệu suy thoái, cầu toàn thế giới giảm, những ngành xuất khẩu nhiều không có đơn hàng, không có đầu ra nên đa phần hoạt động cầm chừng với số lượng đơn hàng nhỏ giọt. Vẫn sẽ có doanh nghiệp thiếu tiền, nhưng tôi không thấy họ phản ánh nhiều. Và cả việc giảm 1-2% cũng không phải là vấn đề quyết định” - ông Hoài thông tin thêm.
Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh bình thường, gỗ là một trong những ngành được ngân hàng tạo điều kiện vay vốn do giá trị xuất khẩu cao, thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo Tổng thư ký Viforest, chi phí lãi vay chiếm phần khá lớn trong chi phí sản xuất. “Nhưng bình thường doanh nghiệp sẽ tính được hết chi phí đó để vẫn có lãi, có thể tồn tại. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất, nhưng nhu cầu vốn không nhiều, tăng trưởng tín dụng không nhiều như mọi năm do xuất khẩu giảm, đơn hàng giảm”.