Goldman Sachs: Nguy cơ công ty Trung Quốc hủy niêm yết tại Hoa Kỳ giảm một nửa
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) đã thông báo hôm 26/8 rằng cả hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác về việc kiểm tra giấy tờ công việc kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ. Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã ký thỏa thuận.
“Đây chắc chắn là một bước đột phá về quy định,” chuyên gia Kinger Lau của Goldman Sachs cho biết, đồng thời cảnh báo rằng vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn ở đây.
Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận chỉ là bước đầu tiên, trong khi phía Trung Quốc cho biết họ sẽ hỗ trợ các cuộc thanh tra.
PCAOB nói rằng họ đã lên kế hoạch có các thanh tra tại Trung Quốc vào giữa tháng 9 và đưa ra quyết định vào tháng 12 về việc liệu Trung Quốc có còn cản trở việc tiếp cận thông tin kiểm toán hay không.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs hôm 29/8 nói rằng mô hình của họ cho thấy thị trường đang ước định các công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết khỏi Hoa Kỳ với xác suất khoảng 50%. Con số này giảm từ 95% vào giữa tháng 3 - mức cao nhất được ghi nhận tính từ tháng 1/2020.
Vào cuối năm 2020, Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài của Hoa Kỳ đã trở thành luật. Nó cho phép Ủy ban Giám sát kế toán các công ty đại chúng Hoa Kỳ xóa các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Hoa Kỳ nếu các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ không thể xem xét các cuộc kiểm toán của công ty trong 3 năm liên tiếp. Kể từ tháng 3, SEC đã bắt đầu cảnh báo Alibaba và các cổ phiếu Trung Quốc khác được niêm yết tại Hoa Kỳ khi không tuân thủ luật mới.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs ước tính nếu các cổ phiếu Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ buộc phải hủy niêm yết, thì cổ phiếu có thể giảm 13%.
Báo cáo cho biết MSCI Trung Quốc có thể giảm 6% theo kịch bản như vậy. Các cổ phiếu nắm giữ hàng đầu của chỉ số là các cổ phiếu Trung Quốc chủ yếu được niêm yết tại Hồng Kông, chẳng hạn như Tencent và Alibaba.
Báo cáo chỉ ra, nếu kịch bản “không hủy niêm yết” xảy ra, nó có thể khiến ADR và MSCI Trung Quốc tăng lần lượt lần lượt 11% và 5%.
Rất ít công ty có trụ sở Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ sau khi Bắc Kinh giám sát đợt IPO của công ty gọi xe Trung Quốc Didi vào cuối tháng 6/2021. Các cơ quan quản lý kể từ đó đã thắt chặt các hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty có ít nhất 1 triệu người dùng, muốn niêm yết ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc nói với CNBC vào tháng 1 rằng họ hy vọng việc niêm yết ở nước ngoài sẽ tiếp tục sau khi các quy tắc mới có hiệu lực.