Hà Nội: Kịch bản nào cho tình huống xuất hiện 40.000 người bệnh COVID-19?
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Phương án số 182/PA-UBND gửi các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan.
Mục đích nhằm bố trí các bệnh viện bảo đảm đủ điều kiện để sẵn sàng thu dung, điều trị cho 8.000 bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đồng thời, sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ phương án thực hiện sẽ trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu tiên đáp ứng 2.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 10.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 4.000 giường bệnh điều trị người mắc COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 20.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Giai đoạn đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 40.000 ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố).
Nguyên tắc phân loại người bệnh theo mức độ bệnh căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021.
Trong đó, tổng số ca mắc xuất hiện 80% bệnh nhân không triệu chứng; khoảng 20% bệnh nhân mức độ vừa, nặng và nguy kịch (trong 20% này lại có 5% người cần điều trị hồi sức tích cực).
Như vậy với tình huống ghi nhân 40.000 người dương tính sẽ có 8.000 bệnh nhân ở mức độ vừa và nặng (6.000 ca mức độ vừa, 2.000 ca mức độ nặng và nguy kịch).
Căn cứ theo quá trình phân loại người bệnh theo mức độ bệnh thì thành phố sẽ tiến hành phân chia các cơ sở thu dung, điều trị theo các cấp độ tương đương.
Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không có triệu chứng và nhẹ (triển khai các phương án riêng).
Việc điều phối bệnh nhân COVID-19 đến các cơ sở thu dung, điều trị trong từng thời điểm căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh tại các cơ sở được phân công thu dung, điều trị.
Phân luồng người bệnh thường quy tại các bệnh viện đã được giao nhiệm vụ tiếp nhận người bệnh COVID-19 đến khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế lân cận.
Tiến hành điều trị người bệnh COVID-19 cũng được phân công rõ theo mức độ bệnh nhân nặng, nguy kịch tại các bệnh viện của thành phố và đề nghị bệnh viện các cấp cao hơn thuộc bộ, ngành, trung ương tham gia hỗ trợ.
Để đáp ứng thực hiện được phương án, chính quyền thành phố yêu cầu sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các đơn vị và cơ quan liên quan. Làm việc và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng khi triển khai phương án.
Hiện tại, bên cạnh việc ứng phó với tình huống xuất hiện lượng bệnh nhân lớn thì thành phố Hà Nội cũng đang triển khai nhanh việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Nhiều số liệu thống kê và khảo sát cho biết hiện có 5.745.728 người trên 18 tuổi ; dự kiến kế hoạch vaccine phân bổ cho Hà Nội là 11.376.541 liều.
Trong khi đó, Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến ngày 7/8, số lượng vaccine phòng COVID-19 phân bổ thực tế của Hà Nội là 2.944.710 liều (bao gồm cả các bệnh viện, viện, đơn vị... của trung ương đóng trên trên địa bàn thành phố). Đã có hơn 20% dân số trên 18 tuổi của Hà Nội đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Như vậy Hà Nội vẫn cần khoảng hơn 8,4 triệu liều để đáp ứng tiêm chủng cho người dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Sở Y tế đang yêu cầu tăng tốc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả các trường hợp người trưởng thành trên địa bàn căn cứ trên số lượng vaccine được Bộ Y tế cấp, ưu tiên cho các đối tượng theo đúng quy định trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố.
H.S
Xem thêm: Nền tảng quản lý tiêm chủng điện tử đã cấp chứng chỉ cho 3,5 triệu người