Hà Nội sẽ kiểm tra giấy đi đường mới từ 6h ngày 8/9

17:48 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Công an TP.Hà Nội, bắt đầu từ 6h ngày 8/9, các chốt kiểm soát sẽ thực hiện nghiêm quy định về giấy đi đường có mã nhận diện QR theo mẫu mới.

Thực hiện theo Chỉ thị 20/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, Công an TP. Hà Nội đang tiến hành cấp giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR, thực hiện từ ngày 6/9 theo ba vùng ở 3 cấp độ khác nhau.

Cụ thể, từ ngày 6/9, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách lần thứ 4 với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn, phương án giãn cách phòng, chống dịch theo 3 vùng ở 3 cấp độ khác nhau, đảm bảo khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Công an TP tiếp tục duy trì và tăng cường các lực lượng cắm chốt, các tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát gắt gao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người dân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Tiếp tục kiểm soát tại các chốt ra vào TP, đồng thời lập thêm 39 chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào vùng 1 theo giấy đi đường mới.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND TP: Để có thời gian chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nên trong 2 ngày 6/9/2021 và 7/9/2021, các lực lượng chức năng chỉ kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền những người ra đường thuộc nhóm được phép nhưng chưa có giấy đi đường theo quy định mới.

Theo quy định, bắt đầu từ 6h ngày 8/9, các chốt kiểm soát của thành phố sẽ kiểm soát người và phương tiện ra, vào thành phố, ra vào vùng 1 theo giấy đi đường mới. Cá nhân và người điều khiển phương tiện tiếp tục được sử dụng giấy đi đường đã được cấp để phục vụ công tác kiểm tra khi có yêu cầu.

Từ sáng 8/9, người ra vào vùng 1 ở Hà Nội bắt buộc phải có giấy đi đường mới.

Doanh nghiệp vẫn “loay hoay” xin giấy

Dù chỉ còn ít giờ là bước sang ngày 8/9 - thời điểm Hà Nội kiểm tra giấy đi đường mới nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được giấy đi đường. Có doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với thủ tục, chưa nộp được cho cơ quan chức năng.

Trao đổi với Báo Tiền Phong, ông Long (chủ doanh nghiệp sản xuất tại huyện Thanh Oai) cho biết, ở huyện mọi thủ tục vẫn thực hiện bằng văn bản giấy. Doanh nghiệp đã đi vài lần bổ sung giấy tờ nhưng vẫn chưa đầy đủ. Cuối giờ chiều doanh nghiệp sẽ lên bổ sung hoàn thiện giấy tờ lần cuối. "Với tiến độ này khó có khả năng kịp có giấy đi đường vào ngày 8/9 nên tôi đã chủ động cho một số nhân viên tạm nghỉ đến khi có thông báo mới", ông Long nói.

Một cơ sở sản xuất đồ thiết yếu trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết thêm, đã 24 giờ sau khi nộp đầy đủ hồ sơ cho Công an phường và Sở Công Thương nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được phản hồi từ bất cứ cơ quan nào. Do sản xuất hàng thực phẩm, có thời hạn sử dụng nên doanh nghiệp đã quyết định dừng sản xuất từ ngày 6/9. Tuy nhiên, hơn 4 tấn hàng đã sản xuất chưa được phân phối, nếu không có giấy đi đường trong ngày thì số hàng này bắt buộc phải tiêu hủy.

Lưu lượng người tham gia giao thông vẫn cao trong những ngày giãn cách. 

Cũng trao đổi về vấn đề này với Zing.vn, ông Võ Việt Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, việc cấp giấy đi đường cho khối doanh nghiệp đang có vấn đề khó khăn và rất chậm trễ. Theo vị này, đến 12h ngày 7/9, hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được cấp giấy đi đường.

“Một số nơi cơ quan cấp giấy đi đường có hiện tượng cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông thẳng thắn nói.

Theo ông Dũng, nếu cứ để tình trạng như hiện nay, chắc chắn sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Thời gian đứt gãy chỉ tính bằng giờ. “TP cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay lúc này cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.

Vẫn còn nhiều bất cập

Đánh giá về việc Hà Nội loay hoay cấp giấy đi đường khiến người dân gặp khó, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, tình trạng của Hà Nội cũng là tình trạng chung của cả nước hiện nay.

QR code nói riêng và ứng dụng công nghệ 4.0 nói chung đang bị sử dụng như một trào lưu. Mỗi địa phương làm một kiểu trong khi điều quan trọng nhất là hiệu quả và thuận tiện cho người dân thì chưa rõ ràng. Vị chuyên gia đánh giá giải pháp của Hà Nội đang thủ công hóa công nghệ từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường.

“Một giải pháp đưa ra để đáp ứng một mục tiêu cao nhất nhưng bên cạnh đó nó còn liên quan đến nhiều giải pháp và các mục tiêu liên quan. Nếu không có sự liên kết tổng thể, làm được việc này thì có nguy cơ hỏng việc khác”, ông Liên chia sẻ.

Với việc cấp và kiểm soát giấy đi đường theo mã QR của Hà Nội, ông Liên cho rằng mục tiêu là rất tốt, không có gì để bàn cãi khi chính quyền bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.

Tuy nhiên, người quản lý lại đang chạy theo các vấn đề cụ thể, các vấn đề chịu sức ép mà thiếu đi một tư duy quản trị chung. Chính điều đó gây nguy cơ phát sinh thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, việc này còn gây ùn tắc ở các chốt kiểm soát. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.

Còn theo, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, đối với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường ông cho rằng vẫn chưa hợp lý.

Cụ thể, quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường. Theo dự kiến, quy trình cấp giấy đi đường chủ yếu có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố.

Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là 6 nhóm, nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường khả năng sẽ quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với chính cơ quan công an.

Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông Cường, để giảm thiểu số người ra đường thì đơn giản nhất là hạn chế số người được phép hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16 thay vì việc gia tăng các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phức tạp cho việc cấp giấy ra đường, ảnh hưởng đến cả cơ quan chức năng và người dân trong việc thực hiện thủ tục này.

 

6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường sau ngày 6/9

Nhóm 1: Các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, quốc tế.

Nhóm 2: Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu.

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch.

Nhóm 4: Các cơ quan báo chí, truyền thông.

Nhóm 5: Đối với các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường.

Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.

Trong số này, đối với đối tượng thuộc nhóm 1, 3, 4, thẩm quyền cấp giấy đi đường là do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối tượng nhóm 2, 6 phải thực hiện quy trình 4 bước gồm: Cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý - Gửi danh sách đề nghị cấp - Duyệt giấy đi đường - Cấp giấy đi đường. Trong đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cấp giấy đi đường cho nhóm 2 và Công an xã, phường cấp giấy đi đường cho nhóm 6.

Đối với nhóm 5, người đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu được cấp Thẻ mua hàng. Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc chỉ cần mang theo Giấy tờ chứng minh kèm CCCD (CMTND). Cá nhân đi sân bay, cơ quan ngoại giao, Tòa án mang theo Giấy tờ chứng minh kèm CCCD (CMTND) và Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.

Hà Lan (T/h)