Hà Nội tăng cấp độ phòng chống dịch, cấm tụ tập quá 10 người nơi công cộng

12:08 | 11/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo chỉ thị mới nhất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, yêu cầu các cửa hàng ăn, uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m; nhiều cơ sở chỉ được bán hàng mang về. Cấm tụ tập quá 10 người nơi công cộng.

Ngày 11/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký Chỉ chị số 12 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19. Vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến sức phức tạp khó lường. Hà Nội đặt mục tiêu cao nhất vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của nhân dân, tập trung ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chủ động tấn công, thực hiện “quyết liệt hơn nữa”, “thần tốc hơn nữa” công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo Chỉ thị này, Hà Nội tiếp tục tăng cấp độ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, thành phố dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp, đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và các biện pháp: Đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khử khuẩn.

Chỉ thị số 12 của Chủ tịch UBND TPHà Nội về phòng chống dịch

Các nhà hàng, quán ăn trong nhà phải thực hiện giãn cách khách hàng

Không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh việnvà các địa điểm phục vụ công tác bầu cử; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch. Người đứng đầu các cấp, các đơn vị, cơ sở chịu trách nhiệm trước thành phố nếu để xảy ra vi phạm.

Đối với các cửa hàng ăn, uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 2m. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống xung quanh các bệnh viện chỉ được bán hàng mang về.

Riêng khu vực xung quanh Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và các bệnh viện khi xuất hiện ổ dịch: Thành phố yêu cầu tạm dừng hoạt động các dịch vụ kinh doanh ăn uống, cửa hàng tạp hóa; đóng cửa các khu nhà trọ (phạm vi khu vực, thời gian dừng các hoạt động do Ban chỉ đạo các quận, huyện chủ động quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa bàn).

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, thành phố yêu cầu siết chặt toàn bộ quy trình phòng chống dịch nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch. Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về Bệnh viện an toàn và Phòng khám an toàn theo quy đúng định của Bộ Y tế.

Một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 01 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện. Các bệnh viện tăng cường công tác khám chữa bệnh từ xa và tăng cường khám điều trị ngoại trú, hạn chế tiếp nhận điều trị nội trú nếu ko cần thiết.

Chủ tịch Hà Nội vẫn đặc biệt nhấn mạnh thực hiện tốt phương châm: Phát hiện kịp thời, thần tốc truy vết, tăng cường xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch triệt để, thực hiện tốt thông điệp 5K, thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo để chỉ đạo kịp thời; làm chủ trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất; tuyệt đối không để sót, không bỏ lọt F1, F2 và các ca nghi ngờ.

Tại mỗi địa phương, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh cụ thể tại địa phương như số ca mắc, khả năng lây lan, đặc điểm cụ thể tại nơi xuất hiện ca bệnh…để quyết định việc phong tỏa theo quy mô thôn, xóm, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, nhà chung cư cao tầng… theo phương châm phong tỏa hẹp nhưng kiểm soát quản lý chặt.

Các đơn vị từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại, điều chỉnh phương án phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị… chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng.

Xem thêm: Bí thư Thành ủy Hà Nội bác tin phong tỏa thủ đô do ảnh hưởng dịch COVID-19

Hà Ly