Hà Nội ưu tiên đưa huyện Gia Lâm và Đông Anh lên quận trước

Nguyễn Minh Quyết 19:00 | 01/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong số 5 huyện đang phát triển lên quận, trước mắt, thành phố tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong phần kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, sáng 1/12.

Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, chuyển trạng thái sang sống chung, thích ứng an toàn, linh hoạt, Thành ủy cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung triển khai các dự án lớn, chủ trương lớn đã được Thành uỷ thông qua. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: UBND TP Hà Nội).  

Trong đó có chủ trương đầu tư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thành việc điều chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý…

Về tài chính - ngân sách, Bí thư Thành ủy cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố bằng mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021. 

Theo ông Đinh Tiến Dũng, đây là mức tăng khá cao, thành phố phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất,...

Đối với kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho các địa phương còn khó khăn để bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn.

Đáng chú ý, riêng đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, trước mắt, Hà Nội tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận.

Về dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được thông qua tại hội nghị, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, đây sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố.

Đồng thời, sớm đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy Thủ đô phát triển xanh và bền vững.

Trước đó, ông Đinh Tiến Dũng cũng đã có những nhận xét về kết quả đã đạt được, đồng thời khẳng định, năm 2021 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của Hà Nội năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng.

Trong đó, cân đối thu - chi ngân sách của Hà Nội vẫn được bảo đảm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán Trung ương giao. 

Lạm phát được kiểm soát, Chỉ số CPI bình quân ước tăng 1,9-2,4% (thấp hơn mức tăng năm 2020 là 2,67%).

Sản xuất công nghiệp phục hồi khá; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,78% (năm 2020 tăng 4,7%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn với mức tăng trưởng 2,83-2,95%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể là 7/23 chỉ tiêu, trong đó có 4 chỉ tiêu về kinh tế không đạt kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không đạt mục tiêu đề ra,...

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là những chỉ tiêu chưa hoàn thành về lĩnh vực kinh tế, ông Dũng đề nghị cấp ủy, người đứng đầu các cấp, ngành có giải pháp khắc phục ngay trong thời gian tới.