Đủ tiêu chí lên quận, giá bất động sản huyện Gia Lâm biến động ra sao?

Đông Bắc 14:13 | 06/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND huyện Gia Lâm đã trình UBND TP Hà Nội Đề án thành lập quận và 16 phường từ đó hoàn thiện tiêu chí lên quận vào cuối năm nay. Mặc dù đã đủ tiêu chí lên quận nhưng giá bất động sản tại Gia Lâm vẫn chưa có nhiều biến động.

 

Cử tri đồng thuận thành lập quận Gia Lâm

Tại kỳ họp chuyên đề của HĐND huyện Gia Lâm để xem xét, thảo luận Đề án thành lập quận Gia Lâm  và các phường thuộc quận, ngày 29/8 vừa qua, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết, sau khi lấy ý kiến cử tri ngày 27/8 và thông qua HĐND xã, thị trấn sáng 29/8, các đơn vị liên quan đã tổng hợp, nghiên cứu thẩm định đề án để đưa ra kỳ họp HĐND huyện.

"Đã có 99,91% số cử tri của huyện tham gia ý kiến và 99,09% số cử tri đồng ý thành lập quận Gia Lâm", Bí thư Gia Lâm nói và đề nghị huyện hoàn thiện tờ trình gửi thành phố, báo cáo HĐND tại kỳ họp tháng 9.

Trình bày đề án thành lập quận, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết huyện đã đạt 5/5 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn thành lập quận, 31/31 tiêu chí theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính. Các khu vực dự kiến thành lập phường cũng đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn.

Hơn 99% cử tri đồng ý thành lập quận Gia Lâm. Ảnh KTĐT.

Quận Gia Lâm được thành lập trên cơ sở nguyên trạng hơn 116 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số gần 310.000 người. Từ 22 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn được điều chỉnh, địa giới hành chính 4 đơn vị, hợp nhất 12 đơn vị xã, thị trấn, để thành lập 16 đơn vị hành chính cấp phường thuộc quận Gia Lâm.

Quận Gia Lâm sau khi thành lập dự kiến có 16 phường gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

100% đại biểu HĐND huyện Gia Lâm có mặt đã biểu quyết tán thành chủ trương thành lập quận và các phường thuộc quận Gia Lâm theo tờ trình của UBND huyện.

Hà Nội hiện có 12 quận (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên), 17 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa) và thị xã Sơn Tây.

Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, trước mắt ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận năm 2023.

Theo kế hoạch trong quý IV, Hà Nội sẽ trình trung ương đề án lên quận của cả huyện Đông Anh và Gia Lâm.

Động lực mới cho thị trường bất động sản tại Gia Lâm

Việc Gia Lâm lên quận, cùng với đó là những thay đổi, nâng cấp về hạ tầng, giao thông dự kiến sẽ tạo động lực mới cho  thị trường bất động sản Gia Lâm tiếp tục khai phá tiềm năng và phát triển hơn nữa trong những năm tới.

Hiện tại, khu vực phát triển của Gia Lâm chủ yếu tập trung ở thị trấn Trâu Quỳ, Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Mặt bằng giá bán đất có mức chênh lệch lớn giữa các khu vực. Với việc phát triển hạ tầng như hiện tại, kết nối của Gia Lâm với các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng,… sẽ giúp việc đi lại kết nối dễ dàng.

Mấy năm trở lại đây, Gia Lâm cũng thu hút nhiều dự án của các ông lớn địa ốc như Vingroup, Masterise Homes, Eurowindow Holding… đầu tư phát triển các đại đô thị như là dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm với tổng mức đầu tư 87.385 tỷ đồng.

 Thị trường bất động sản tại Gia Lâm chưa có nhiều biến động. Ảnh BĐS.

Với thị trường bất động sản Gia Lâm, các loại hình bất động sản ở đây khá đa dạng lựa chọn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại đất nền trầm lắng, thanh khoản chậm. Với nhà thổ cư, mặt bằng giá tại Gia Lâm hiện đang ở mức cao – khoảng 90 triệu/m2 với nhà thổ cư trong ngõ. Trong khi đó, loại hình biệt thự, liền kề thì không dành cho số đông các nhà đầu tư, nguồn cung sơ cấp cũng không còn nhiều tại Gia Lâm.

Theo dự báo, nguồn cung cao tầng khu Đông 3 năm tới từ 2023 – 2025 sẽ chào đón thêm khoảng 87.900 căn hộ mở bán mới, trở thành khu vực dẫn đầu về nguồn cung căn hộ cao tầng tại Hà Nội và Hưng Yên. Nguồn cung này chủ yếu đến từ các khu đô thị vệ tinh tích hợp nhiều tiện ích, điển hình như dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm.

Gia Lâm cũng là địa phương giáp ranh với loạt dự án lớn tại các quận Long Biên, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên như Vinhomes Riverside, AEON Mall Long Biên, khu đô thị Dream City, khu đô thị Đại An, khu đô thị Ecopark… Hiệu ứng phát triển của loạt dự án tầm cỡ này cũng mang lại ít nhiều lợi thế cho thị trường mua bán nhà đất Gia Lâm.

Trước đó ngày 4/7, HĐND Hà Nội thông qua đề án thành lập quận Đông Anh với diện tích tự nhiên hơn 185km2, quy mô dân số hơn 400.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có sẽ lên phường. Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có 3-5 huyện đủ điều kiện để thành quận.

Trước mắt trong năm 2023, Hà Nội đầu tư nguồn lực và hoàn thiện các tiêu chí để đưa Đông Anh và Gia Lâm lên quận.