Giá đất Đông Anh, Gia Lâm biến động ra sao trước thềm lên quận?

Đông Bắc 12:07 | 07/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ đề án đưa 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận trong năm 2023 để thành phố trình Chính phủ.

Đưa huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận trong quý IV/2023

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký và ban hành Kế hoạch số 68 về việc Triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận.

Kế hoạch số 68 nhằm xác định các nội dung công việc, tiến độ thời gian; phân công nhiệm vụ và tiến độ cụ thể cho các sở, ngành, UBND 5 huyện và các đơn vị có liên quan để chủ động triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, theo Cổng giao tiếp điện tử UBND TP Hà Nội.

Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo UBND thành phố, thành ủy về việc hoàn thiện hồ sơ, Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong tháng 6/2023; đối với ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong quý II/2024.

UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đề nghị Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong tháng 7/2023; đối với ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong quý III/2024.

Hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ về Đề án đối với hai huyện Đông Anh, Gia Lâm trong quý IV/2023; ba huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì hoàn thành trong năm 2025.

Về kết quả thực hiện các tiêu chí của 5 huyện, tính đến hết năm 2022, cả 5 huyện đều đạt hai tiêu chí về “Diện tích tự nhiên” và “Quy mô dân số”.

Đối với hai tiêu chí xã thành phường, hầu hết các xã tại 5 huyện đều không đạt. Trong đó, huyện Đông Anh có 16/24 xã đạt; huyện Gia Lâm 4/22 xã đạt; huyện Hoài Đức 3/22 xã đạt; huyện Thanh Trì 2/16 xã đạt; huyện Đan Phượng 2/16 xã đạt.

Đến nay, chỉ có huyện Gia Lâm có dự thảo phương án đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; các huyện còn lại chưa báo cáo.

Kết quả huyện tự đánh giá thực hiện các tiêu chí thuộc các nhóm “Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội” và “Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị”, cả 5 huyện đều chưa đáp ứng đủ 31 tiêu chí huyện thành quận và 16 tiêu chí xã thành phường.

 Khu đô thị  Vinhomes 420 ha tại Gia Lâm. Ảnh Nhật Di.

Theo báo cáo đánh giá của các huyện và rà soát sơ bộ của các sở, ngành về tiêu chí huyện thành quận, chỉ hai huyện Đông Anh và Gia Lâm đã đạt mức tối thiểu quy định (đối với nhóm cơ sở hạ tầng đô thị, huyện Gia Lâm đạt 24/25 tiêu chí, huyện Đông Anh đạt 22/25 tiêu chí). Các huyện còn lại chưa đạt.

Về tiêu chí xã thành phường, huyện Đông Anh đã đạt mức tối thiểu nhóm cơ sở hạ tầng đô thị (10/13 tiêu chí); huyện Gia Lâm đạt mức tối thiểu nhóm cơ sở hạ tầng đô thị theo phương án điều chỉnh địa giới (10/13 tiêu chí).

Bên cạnh đó, hiện nay, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức vẫn còn một phần là khu vực nông thôn (nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị).

Theo báo cáo của 5 huyện, đến nay, còn 8 tiêu chí do 6 sở, ngành phụ trách đang vướng mắc trong việc xác định phương pháp tính toán và đang xin ý kiến hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản. Quy định pháp lý về cách xác định, phương pháp tính toán chưa rõ ràng, chưa thống nhất được phương pháp tính. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, UBND TP Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc tiếp theo.

Giá bất động sản tại Đông Anh, Gia Lâm biến động ra sao?

Trước khi Gia Lâm lên quận, hàng loạt công trình hạ tầng giao thông cũng đã bắt đầu được triển khai. Tiêu biểu là nút giao kết nối trực tiếp tuyến đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã khánh thành, cầu Vĩnh Tuy 2 đang triển khai rầm rộ… Cùng với đó, Gia Lâm được Hà Nội đồng ý với đề xuất đầu tư ba cầu vượt tại nút giao đường Ngô Xuân Quảng với QL5, nút giao QL5 với đường Đông Dư – Dương Xá, nút giao Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng…

Thông tin huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023 kèm theo sự xuất hiện của những công trình giao thông “nghìn tỷ” đã đưa huyện vùng ven Hà Nội này trở thành tâm điểm thu hút đầu tư. Đặc biệt là từ khi có sự xuất hiện của đại đô thị Vinhomes 420 ha từ năm 2018, bất động sản Gia Lâm đã bắt nhận được sự chú ý, giá đất tăng vọt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Quy hoạch dự án nhà ở xã hội tại Đông Anh có 2 khu, diện tích gần 200 ha; Gia Lâm khoảng 55 ha. Ảnh ĐA.

Về giá đất tại huyện Gia Lâm, theo một số môi giới, lượng giao dịch không sôi động như mọi năm. Đây cũng là tình trạng chung của thị trường từ quý III/2022 tới nay. Tuy vậy, thời gian gần đây, các giao dịch đã bắt đầu trở lại.

Các khu vực gần trung tâm như Đặng Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Đông Dư, giá nhà đất gần như vẫn giữ nguyên, không hề thay đổi. Nhiều người còn kỳ vọng việc Gia Lâm có thể sẽ lên quận trong năm nay khiến bất động sản tại đây khá giữ giá.

Trong số những khu vực kể trên, giá nhà đất tại Đông Dư là cao nhất. Giá đất tại đây khoảng 60 triệu đồng/m2. Còn giá nhà dao động xung quanh 85 triệu đồng/m2.

Tại huyện Đông Anh, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, đất ở Nguyên Khê chỉ cách trục Nhật Tân – Nội Bài hơn 100 m, từ mức giá hơn 50 triệu đồng/m2 của tháng 11/2022 (là mức giá đã giảm so với nhiều tháng trước đó) thì sau Tết Nguyên đán, có chủ đất cần tiền chỉ chào bán khoảng 40 triệu đồng/m2.

Đất trục chính kinh doanh Hải Bối cũng từ mức 60-65 triệu đồng/m2 thời điểm tháng 11/2022 (mức giá đã giảm) thì nay một số mảnh được chào giá 50-55 triệu đồng/m2. Vị trí mặt đường kinh doanh ở Võng La cũng giảm khoảng 3-7 giá so với cuối năm ngoái khi giá hiện tại dao động từ 37-42 triệu đồng/m2. Đất kinh doanh Vĩnh Ngọc từ mức giá 130-150 triệu đồng/m2, nay có một số mảnh được rao bán từ 110-115 triệu đồng/m2. Các mảnh đất nằm sâu trong làng ở Xuân Nộn, Vân Nội, Hải Bối, Cổ Loa, Uy Nỗ, Mai Lâm, giá cũng giảm từ 5 đến 10 triệu đồng/m2.