Hà Nội xây dựng phương án nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết 2021
Bên cạnh việc tích cực tổ chức tái đàn, các doanh nghiệp Hà Nội cũng có phương án nhập khẩu thịt lợn nên người dân không lo thiếu hụt trong 3 tháng dịp Tết Nguyên đán 2021.
Theo nhận định của các chủ trang trại, giá thịt lợn trong tuần qua tăng do sức mua của người dân trong dịp cuối năm bắt đầu tăng hơn so với các tháng khác; các doanh nghiệp thu mua thịt lợn để chế biến thực phẩm như xúc xích, giò chả, thịt hun khói… phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới.
Tuy nhiên, dự báo dịp Tết 2021 nguồn cung mặt hàng thịt lợn sẽ không có biến động lớn.
Thịt bày bán tại chợ dân sinh. Ảnh minh họa
Nói về việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Hapro cho biết, ngoài 8 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, Hapro đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị các nguồn hàng hóa để kinh doanh dịp Tết: Gạo Hapro Đồng Tháp, hạt điều rang muối; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...; các sản phẩm kinh doanh theo chương trình khai thác đặc sản vùng miền.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Trong đó, mặt hàng thịt lợn tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng số đàn lợn tháng 11 tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459.300 tấn, tăng 3,9% so năm 2019... Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt, cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung - cầu không bị thiếu hụt thực phẩm.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trong 3 tháng dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội đã chuẩn bị 292.500 tấn gạo; 18.900 tấn thịt gà; 18.459 tấn thịt bò; 315.000 tấn rau củ… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Lượng thịt lợn dự kiến được đưa vào phục vụ dịp Tết là 56.700 tấn. Bên cạnh việc tích cực tổ chức tái đàn, các doanh nghiệp cũng có phương án nhập khẩu thịt nên người dân không lo thiếu hụt.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.
Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung đối với các nhóm hàng có nhu cầu tăng trong dịp Tết như: mặt hàng nông sản khô (nhu cầu tăng 25%-33% so với tháng thường); xăng dầu (nhu cầu tăng khoảng 20%); hoa cây cảnh (nhu cầu tăng 25%-35%).
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).
Các đơn vị có phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý, đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu phục vụ trước, trong và sau các ngày lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Sở Công Thương Hà Nội nhận định, thời điểm cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán 2021, thời tiết chuyển lạnh, dịp cuối năm nên nhu cầu hàng hóa, đặc biệt nhóm hàng thực phẩm tăng. Tuy vậy, mức tăng không lớn như mọi năm.
Theo Tiền phong