Hà Tĩnh: Từng bước nới lỏng các vùng cách ly y tế

19:28 | 06/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh còn 2.455 người đang thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định.

Các vùng cách ly cũng đã được nới lỏng

Đến nay, Hà Tĩnh đã điều trị khỏi cho 245 bệnh nhân COVID-19, còn lại 136 bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, BVĐK khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh và Khu cách ly F0 Mitraco. Trong 67 bệnh nhân chuyển ra Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có 40 ca ra viện, 3 ca tử vong.

Ngày 5/9, Hà Tĩnh phát hiện 1 ca bệnh là thành viên trong gia đình có 3 người mắc COVID-19 (phát hiện ngày 2/9) ở thôn Vinh Sơn (Cẩm Sơn - Cẩm Xuyên), đã được cách ly từ trước, nâng tổng số người mắc COVID-19 từ 4/6 đến nay là 448 bệnh nhân. Ngoài 3.751 trường hợp F1 của các ca bệnh COVID-19 đã hoàn thành cách ly tập trung, hiện còn 806 trường hợp F1 đang tiếp tục thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định.

Tháo  dỡ  các  chốt  ở  các  vùng  cách ly  y tế

Cũng trong ngày 5/9, Hà Tĩnh đã rà soát được 78 trường hợp có triệu chứng nghi ngờ trong cộng đồng và cơ sở y tế. Qua xét nghiệm, tất cả các trường hợp đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Các cơ quan y tế đã xét nghiệm 1.017 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, trong đó có 1 mẫu dương tính, 1.016 mẫu âm tính với virus SARS-CoV-2; thực hiện test nhanh kháng nguyên cho 933 người.

Thời gian qua, toàn tỉnh đã rà soát được 15.102 người về từ vùng dịch, trong đó, chủ yếu là từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội…; tất cả đã được cách ly. Đến thời điểm hiện tại, còn 2.455 người đang thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định.

Sau  khi  tháo  dỡ  các  chốt  tại  vùng  cách  ly  y  tế

Các vùng cách ly cũng đã được nới lỏng, vào chiều 6/9, UBND huyện Nghi Xuân đã ban hành Quyết định số 3403/QĐ-UBND về việc kết thúc thời gian thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 tại địa bàn thị trấn Xuân An.

Qua đó, kết thúc thời gian cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 tại 2 tổ dân phố (TDP) thuộc thị trấn Xuân An, gồm: TDP 11 với 220 hộ/754 nhân khẩu và TDP 12 với 130 hộ/519 nhân khẩu kể từ 18 giờ ngày 6/9/2021.

UBND huyện Nghi Xuân giao thị trấn Xuân An tiếp tục thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hiện hành đối với các tổ dân phố đã hết thời gian cách ly y tế.

Trước đó, ngày 3/9, thị xã Hồng Lĩnh cũng đã kết thúc thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên

Để chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp cũng như nhằm giảm tải cho các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh được bố trí làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 từ tháng 6/2021 với quy mô 105 giường bệnh cùng trang thiết bị y tế cần thiết, đáp ứng cho công tác điều trị bệnh nhân. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (gọi tắt là Bệnh viện Cầu Treo) tính từ đợt điều trị vào tháng 3/2020 đến nay, đã 2 lần nhận lệnh dừng điều trị thông thường để mang trên mình sứ mệnh điều trị bệnh nhân Covid-19, với lòng quyết tâm chung sức cùng tỉnh nhà sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh tập trung thực hiện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 mức độ vừa và nhẹ, đồng thời phân chia thành các khu vực hoạt động theo 3 vùng mức độ nguy cơ lây nhiễm (từ thấp, trung bình đến cao). Trung tâm điều trị được chia thành 14 khu vực cơ bản: Khu điều hành, hành chính; khu hồi sức cấp cứu; khu chăm sóc cho người bệnh có mức độ nhẹ, trung bình; khu cách ly chờ ra viện; khu kiểm soát nhiễm khuẩn; khu tiếp đón và phân loại người bệnh; khu chẩn đoán hình ảnh; khu xét nghiệm; khu dược, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất; khu đồ vải và dụng cụ y tế; khu nhà ăn; khu nghỉ ngơi cho người phục vụ; khu lưu giữ, bảo quản tử thi; khu bảo vệ.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh trao giấy chứng nhận xuất viện cho các bệnh nhân.

Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận 78 bệnh nhân, điều trị cho 32 bệnh nhân xuất viện và chuyển tuyến 21 bệnh nhân.

Ông Hồ Giang Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh cho biết, việc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ sang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong thời gian gấp rút là một thử thách không nhỏ. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của lãnh đạo các cấp, ngành cùng sự nỗ lực cố gắng của tập thể viên chức và người lao động Trung tâm nên cơ sở điều trị được nhanh chóng đưa vào hoạt động.Cùng với sự bổ sung tổ chuyên môn của BVĐK tỉnh cắm chốt tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, bộ khung tham gia khu tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh nhân đã có 52 người. Trong đó, từ tối 14/6, tổ trực đầu tiên với 12 bác sỹ, hộ lý, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn trực đã tiếp nhận nhiệm vụ ở vòng trong và bác sỹ nữ Nguyễn Thị Ninh là người xung phong tiếp đón, điều trị ca bệnh đầu tiên.

Với 52 cán bộ, nhân viên tham gia điều trị, chúng tôi phân theo 2 vòng: vòng trong (trực tiếp điều trị bệnh nhân) và vòng ngoài (tổ hậu cần, giúp việc, công an, bảo vệ, tổ xét nghiệm...). Đối với vòng trong thì chia theo tua, theo kíp. Mỗi tua tham gia điều trị 21 ngày, sau đó tua khác sẽ được điều vào thay để quay vòng. Đối với vòng ngoài thì hầu như phải ở hẳn trong Trung tâm vì nhân lực không đủ.

Bác sỹ Nguyễn Văn Diệu - Tổ trưởng Tổ công tác BVĐK tỉnh tăng cường cho Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh cho biết, khi được giao trọng trách, chúng tôi về sát cánh lâu dài cùng anh em tuyến huyện để góp sức vào “cuộc chiến” chống dịch. “Chúng tôi đang nỗ lực để hỗ trợ đồng nghiệp vận hành trôi chảy các mảng chuyên môn của một cơ sở y tế mới đi vào hoạt động, đặc biệt là công tác tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. Bước đầu, công việc diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên, đợt điều trị này, các triệu chứng bệnh phức tạp hơn, có 2 bệnh nhân nặng đã được chỉ định chuyển tuyến.

Đối với Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (gọi tắt là Bệnh viện Cầu Treo), tính đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 74 bệnh nhân, bao gồm cả chuyển tuyến. 54 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh trở về với gia đình, đơn vị. Đặc biệt, không có ca nào bị tử vong và tất cả cán bộ, nhân viên y tế đều an toàn, không có ai bị lây nhiễm ra cộng đồng.

Qua 2 đợt điều trị bệnh nhân Covid-19, với bác sỹ Hoàng Việt Hùng - Trưởng khoa Cận lâm sàng Bệnh viện Cầu Treo chia sẻ: Khi bệnh nhân Covid-19 vào điều trị, lúc đầu nhiều người căng thẳng, sợ hãi, hoảng hốt làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý, dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng. Vì vậy, chúng tôi đã vận dụng nhiều cách để có thể điều trị tâm lý trước khi điều trị các triệu chứng của từng ca bệnh. Đặc biệt, có những ca bệnh nặng, bác sĩ phải trang bị cho mình quần áo bảo hộ, tấm chắn bắn giọt nước, thực hiện giữ khoảng cách tốt để có mặt trực tiếp ở phòng bệnh để trấn an, giúp họ ổn định tâm lý, phối hợp điều trị một cách hiệu quả”.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Thành - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, chia sẻ: Bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch này được chuyển lên vào tối ngày 30/4 và từ sau ngày 4/6, dịch bệnh diễn biến nhanh, bệnh nhân mới tăng liên tục. Cao điểm từ đêm 12 đến chiều 13/6, ca trực tiếp nhận 20 bệnh nhân, có thời điểm số lượng bệnh nhân lên tới 60 người.

“Chiều 14/4/2020, bệnh nhân số 146 - bệnh nhân tuyến huyện đầu tiên ở Hà Tĩnh dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được bệnh viện công bố khỏi bệnh. Đó là sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ vượt qua bao vất vả để có được những kết quả tích cực như hôm nay. Sức khoẻ của bệnh nhân sau khi vào điều trị đều ổn định và đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COVID".

Ca trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị.

Nói về những khó khăn trong công tác điều trị bệnh cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, Bác sỹ Thành cho biết: "Khối lượng công việc lớn, áp lực đè nặng nhưng bệnh viện chỉ có 55 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 48 chính thức và 7 hợp đồng. Đội ngũ bác sĩ thiếu, chỉ với 7 bác sĩ đa khoa, không có bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm. Trong đó, có 1 bác sĩ đang mang thai, 1 bác sĩ đông y và tôi phải lãnh đạo chung, nên chỉ có 4 bác sĩ trực tiếp điều trị.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của bệnh viện cũng khó khăn vì không phải là bệnh viện chuyên ngành điều trị truyền nhiễm, thế nhưng để vượt qua khó khăn này, chúng tôi đã phải động viên nhau vượt mọi khó khăn, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Xem bệnh viện như một gia đình lớn, các kíp trực ở khu vực điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19 thường xuyên nắm bắt tình hình, trao đổi về chuyên môn, kịp thời xử trí các tình huống, đặc biệt các trường hợp bệnh nhân có diễn biến bệnh phức tạp, triệu chứng tăng nặng bất thường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh".

Khó khăn là như thế nhưng xác định được sứ mệnh cao cả của mình và bằng sự dũng cảm của những “chiến binh áo trắng”, các cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện đã nỗ lực cao nhất để sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

"Bệnh viện Cầu Treo chỉ điều trị bệnh nhân nhẹ và trung bình, một số ca bệnh nặng thì phải cấp cứu để chuyển đi Hà Nội. Điều quan trọng là phải tiên lượng trước để biết ca bệnh nào có diễn biến bệnh phức tạp, triệu chứng tăng nặng để kịp thời chuyển tuyến ra Bệnh viện nhiệt đới Trung ương. Nếu tiên lượng thiếu chính xác dẫn đến muộn mới chuyển đi sẽ có nguy cơ bệnh nhân tử vong trên đường đi", bác sĩ Thành nói thêm.

Với tinh thần sẵn sàng ứng phó, kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2, đây được xem là 2 “chốt chặn” với những “ chiến binh áo trắng” đang ngày đêm gồng mình trên tuyến đầu chống dịch tại Hà Tĩnh, góp phần cùng tỉnh nhà ngăn chặn và đẩy lùi thành công đại dịch COVID-19, đưa lại sự sống bình yên cho người dân.