Hai ngành tăng trưởng mạnh nhất bất chấp đại dịch sau 7 tháng đầu năm

10:47 | 29/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo phân tích từ FiinGroup, nhóm phân phối xăng dầu và thép tăng trưởng mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid 19.

Lần đầu tiên tăng trưởng cho nhóm tiện ích kể từ khi COVID-19 bùng phát

Tính đến cuối tháng 7/2021 đã có 385/1738 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM (chiếm 33% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh chính thức hoặc ước tính cho quý 2/2021. Trong đó bao gồm 16 ngân hàng và 347 doanh nghiệp khối phi tài chính.

Doanh thu thuần quý 2/2021 của 347 doanh nghiệp tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi lợi nhuận sau thuế duy trì tăng cao hơn, tăng 86,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do biên lợi nhuận cải thiện tại các ngành hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao do “đứt gãy” chuỗi cung ứng tạm thời.

Hai ngành tăng trưởng mạnh nhất bất chấp đại dịch sau 7 tháng đầu năm - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Như vậy, so với quý 1, doanh thu thuần và lợi nhuận quý 2 tăng trưởng với tốc độ không quá chênh lệch, lần lượt là 14,7% và 20%.

Theo phân tích từ FiinGroup, đóng góp gần 40% doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 347 doanh nghiệp phi tài chính này, nhóm phân phối xăng dầu, khí đốt và thép duy trì tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý 2, lần lượt là 4243% và 592% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá dầu, khí và thép tăng cao hơn là nhờ gia tăng sản lượng bán.

Cụ thể, tại nhóm phân phối xăng dầu và khí đốt, tăng trưởng đến từ PV Gas (GAS) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Với GAS, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khí của GAS giảm 10% so với cùng kỳ nhưng giá LPG tăng đã giúp lợi nhuận sau thuế của GAS tăng 22,8%.

Trong khi đó, BSR ghi nhận lãi gần 1,5 nghìn tỷ trong quý 2 (so với mức lỗ 1,9 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm 2020) nhờ giá dầu tăng giúp tránh trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và tiêu thụ trong nước hồi phục.

Tại nhóm thép, doanh thu của 13/48 doanh nghiệp (chiếm 12,4% vốn hóa ngành) tăng 85% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn, tăng tớ 592% nhờ biên lợi nhuận tăng gấp 3 lần, đạt 12%.

Đáng chú ý, Thép Nam Kim (NKG) với lợi nhuận sau thuế tăng gần 50 lần so với cùng kỳ dù doanh thu chỉ tăng 3 lần. Các ông lớn như Hòa Phát (HPG) và Thép Việt Nam (TVN) chưa công bố báo cáo tài chính quý 2 nhưng đây là xu hướng chung đối với các doanh nghiệp ngành thép và là yếu tố giúp cổ phiếu thép thăng hoa trong quý 2 vừa qua với mức tăng giá gần 46%.

Tuy nhiên, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp ngành thép hiện không còn mạnh mẽ như giai đoạn nửa đầu năm khi mà giá thép trong nước dần hạ nhiệt kể từ cuối tháng 5, sản lượng thép tiêu thụ giảm do quý 3 là quý thấp điểm đối với hoạt động xây dựng và dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng. Điều này khiến cổ phiếu thép không còn nhiều hấp dẫn về triển vọng lợi nhuận trong giai đoạn hiện nay.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận chậm

Theo thống kê, doanh thu thuần của 198 doanh nghiệp ước tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19,5% so với quý I. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt là 75,3% so với cùng kỳ năm trước và 22,6% so với quý I.

Mức tăng chung chủ yếu đến từ ngành tiện ích, dầu khí và thép, phần lớn nhờ giá hàng hóa (dầu, LPG và thép) tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo FiinGroup, tăng trưởng trong quý III của các ngành này hiện đang đối mặt với thách thức lớn đó là dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Đồng thời nhu cầu tiêu thụ khí của các nhà máy điện khí thường thiếu ổn định vào mùa mưa. Ngoài ra, quý III cũng là quý thấp điểm tiêu thụ thép và giá thép trong nước đang hạ nhiệt.

Đáng chú ý, doanh thu trong quý II của các doanh nghiệp này tăng tốc so với quý I nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đã chậm lại dù vẫn duy trì ở mức cao.

Đối với nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu, hóa chất, công nghệ thông tin, đây cũng là những nhóm ngành có lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại trong quý II này.

PV (t/h)