Bộ Công Thương xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong quý II
Đầu tháng 1, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố góp ý, xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83, Nghị định 95 và Nghị định 80) theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong quý II/2024.
Bộ Công Thương đề nghị các Sở Công Thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt còn tồn tại của các quy định hiện hành tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu và góp ý, đề xuất nội dung mới cho nghị định.
Các ý kiến gửi về Bộ Công Thương trước ngày 12/1.
Trước đó chiều 4/1, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Về kiểm tra, giám sát xử lý các vi phạm, Thanh tra Chính phủ nêu rõ nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu xảy ra thường xuyên, trong nhiều năm, nhưng Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý không nghiêm, dẫn đến nhiều vi phạm chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương cần tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại phần kết quả và kết luận thanh tra.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc đối với các thương nhân đầu mối... khi để xảy ra thiếu xăng dầu trong thời gian qua.
Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG khi để các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích Quỹ BOG.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần thanh tra, kiểm tra ngay để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Đồng thời rà soát, kiểm tra các tồn tại, hạn chế bất cập đã được kết luận thanh tra nêu ra để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng cần tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại phần kết quả và kết luận thanh tra.
Xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong quản lý, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương quản lý Quỹ BOG, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG khi để các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích, với số tiền lớn trong nhiều kỳ; việc thương nhân đầu mối nợ thuế bảo vệ môi trường thời gian dài, số lương lớn.