Hai "ông lớn" cùng đề xuất đầu tư làm dự án khu đô thị mới Cam Lâm là ai?
Lấy ý kiến thẩm định hồ sơ dự án Khu đô thị mới Cam Lâm do Ecopark đề xuất
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi các sở, ngành, và đơn vị liên quan về việc lấy ý kiến thẩm định hồ sơ dự án Khu đô thị mới Cam Lâm tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), do CTCP Tập đoàn Ecopark đề xuất.
Theo đó ngày 17/9, CTCP Tập đoàn Ecopark đã nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Cam Lâm với diện tích 100 ha. Các sản phẩm bao gồm: nhà ở liền kề, biệt thự, chung cư hỗn hợp, đất thương mại dịch vụ, đất giáo dục, thể dục thể thao, đất văn hóa, đất cây xanh công cộng... và các loại đất khác.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung, ranh giới đề xuất của Ecopark tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, có diện tích trùng với đề xuất dự án Khu đô thị hỗn hợp Cam Lâm do CTCP Tập đoàn C.E.O (mã chứng khoán: CEO) từng đề xuất trước đó, hiện đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thẩm định theo Văn bản số 3986/SKHĐT-DN ngày 13/9/2024.
Thông tư từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc nhiều nhà đầu tư đề xuất dự án tại cùng một vị trí và cùng thời điểm theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hiện chưa được pháp luật quy định rõ về trình tự lấy ý kiến. Do đó, để có cơ sở đánh giá phương án đề xuất khả thi cho dự án và tổng hợp báo cáo lên UBND tỉnh xem xét quyết định, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục gửi hồ sơ của Ecopark và đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền.
Tiềm lực 2 nhà đầu tư muốn làm dự án khu đô thị mới Cam Lâm ra sao?
Tập đoàn Ecopark tiền thân là Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) được thành lập năm 2003, địa chỉ tại tỉnh Hưng Yên. Năm 2019, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Ecopark.
Ecopark được biết đến là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng đô thị xanh tại nước ta với dự án tiêu biểu là Khu đô thị Ecopark tại Hưng Yên rộng 500 ha. Hiện nay, Ecopark đang đầu tư phát triển các dự án quy mô lớn: Eco Central Park tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) quy mô 200 ha; Ecoriver Hải Dương tại TP. Hải Dương rộng 110 ha; Ecovillage Saigon River tại TP HCM có tổng diện tích 55 ha.
Trong khi đó, Tập đoàn C.E.O tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam, được thành lập vào năm 2001, trụ sở tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Năm 2007, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP Đầu tư C.E.O. Tới năm 2015 thì chuyển đổi thành Công ty CP Tập đoàn C.E.O.
C.E.O là cái tên nổi bật trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Tên tuổi của C.E.O gắn liền với các dự án như: Ecovillage Saigon River tại Phú Quốc (Kiên Giang) quy mô 160 ha; Sonasea Kiên Giang City tại Rạch Giá (Kiên Giang) với diện tích 83,5 ha; Sonasea Vân Đồn Harbor City ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) rộng tới 358,5 ha.
Tính tới ngày 8/5/2024, vốn điều lệ của C.E.O là hơn 5.136 tỷ đồng. Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2024, doanh thu thuần của C.E.O đạt hơn 391 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hơn 14 tỷ đồng, giảm tới 61% so với quý II/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của C.E.O đạt hơn 681 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế còn gần 50 tỷ đồng, giảm 61%.
Quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm
Ngày 13/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) phân khu đô thị phía Bắc, đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, Phân khu đô thị phía Bắc, đô thị mới Cam Lâm có diện tích lập quy hoạch khoảng 7.057 ha gồm một phần xã Suối Tân, Cam Tân, Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Hiệp Bắc và Thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm.
Phân khu đô thị phía Bắc với mục tiêu phát triển mới khu trung tâm đô thị phía Bắc có chức năng là trung tâm tổng hợp cấp đô thị. Đồng thời, hình thành chuỗi sân golf, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề ven chân núi Cù Hin.
Tiếp tục hoàn thiện khu công nghiệp Suối Dầu hiện hữu theo hướng thân thiện môi trường, gắn với thế mạnh địa phương; từng bước nâng cao mật độ đô thị tại các khu vực làng xóm đô thông qua khai thác các khu đất nông nghiệp gắn với nhà ở.
Song song đó là phát triển mới khu dân cư đô thị, tuân thủ theo các quy định phân vùng mật độ. Phát triển khu dân cư mật độ thấp ven đầm Thuỷ Triều theo mô hình “đô thị du thuyền”…
Về quy mô dân số dự báo khoảng 264.000 người; diện tích đất đơn vị ở khoảng 1.800 ha; diện tích đất nhóm nhà ở khoảng 1.200 ha.
Theo đó, nhóm nhà ở gồm nhóm nhà ở hiện trạng cải tạo và nhóm nhà ở quy hoạch mới. Đối với nhóm nhà ở hiện trạng cải tạo tầng cao xây dựng tối đa 6 tầng, các công trình hiện hữu tồn tại theo hiện trạng. Đối với đất nhóm nhà ở quy hoạch mới tầng cao xây dựng tối đa 8 tầng, hệ số sử dụng đất tối đa 7 lần.
Ngoài ra, đất hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ bao gồm chức năng nhóm nhà ở và chức năng dịch vụ hỗn hợp. Trong đó, đối với chức năng nhóm ở tầng cao xây dựng tối đa 5 tầng; đối với chức năng dịch vụ hỗn hợp tầng cao xây dựng tối đa 10 tầng, hệ số sử dụng đất tối đa 13 lần...
Đến năm 2045 hoàn thiện phát triển đô thị theo quy hoạch.