Hàn Quốc công bố định hướng kinh tế đối ngoại năm 2022

Đức Hưng (P/v TTXVN tại Seoul) 19:00 | 25/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 25/1 dự báo môi trường kinh tế quốc tế năm 2022 sẽ “biến động, mất cân bằng và phức tạp” và các yếu tố này sẽ tác động đến nền kinh tế Hàn Quốc. Theo đó, chiến lược kinh tế đối ngoại của Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc giảm thiểu biến động, điều chỉnh sự mất cân bằng và giải quyết tính phức tạp của môi trường kinh tế bên ngoài.

Phát biểu tại Hội Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Đối ngoại lần thứ 227 và cuộc họp của Ủy ban Quản lý Quỹ Hợp tác Kinh tế Đối ngoại lần thứ 140” tổ chức tại Khu liên hợp Chính phủ ở Sejong, ông Hong Nam-ki cho biết: kinh tế thế giới cho thấy xu hướng phục hồi và dần trở lại trạng thái bình thường như trước thời kỳ bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, những đặc điểm nêu trên có thể trở thành những thuộc tính lâu dài, chi phối đến kinh tế quốc tế.

Ông Hong Nam-ki cũng nhận định cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra là “sự mất cân bằng” cung-cầu trong chuỗi cung ứng sẽ ngày càng nghiêm trọng. Trong hợp tác quốc tế, xu hướng nổi lên là sự tồn tại đồng thời của hình thức hợp tác theo khối và chủ nghĩa tân bảo hộ, lấy lợi ích quốc gia làm trung tâm, chính là nguyên nhân gây ra tình trạng “mất cân bằng”.

Ngoài ra, ông cho biết môi trường kinh tế quốc tế cũng diễn biến “phức tạp” hơn nhiều so với trước đây, đặt ra yêu cầu Hàn Quốc phải đưa ra các giải pháp toàn diện và ở cấp cao.

Ông Hong Nam-ki nhấn mạnh: “Đối với lĩnh vực kinh tế đối ngoại trong năm 2022, các chiến lược, chính sách và biện pháp thực tế tập trung vào việc giảm thiểu biến động, điều chỉnh sự mất cân đối và giải quyết tính phức tạp là đặc biệt quan trọng và cần có giải pháp toàn diện từ chính phủ”.

Cũng trong cuộc họp ngày 25/1, “Chiến lược thúc đẩy chính sách kinh tế đối ngoại năm 2022” với 10 mục tiêu chủ yếu cũng được đưa ra thảo luận với các bộ liên quan.

Trước hết, Hàn Quốc xác định tập trung vào mục tiêu tìm kiếm các thị trường mới để dẫn dắt đà phục hồi của nền kinh tế. Thông qua việc tích cực thúc đẩy các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các FTA song phương, mạng lưới FTA của Hàn Quốc sẽ được mở rộng đáng kể trong tương lai. Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 4 năm nay.

Tiếp đến, Hàn Quốc sẽ chủ động chuẩn bị cho một trật tự kinh tế quốc tế mới, như tổ chức lại chuỗi cung ứng, cạnh tranh công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số. Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc cần đảm bảo năng lực chuỗi cung ứng cho các mặt hàng kinh tế và an ninh chủ chốt (200 mặt hàng), tạo điều kiện phát triển và bảo vệ các công nghệ quan trọng bằng cách lựa chọn 30-50 mặt hàng công nghệ chủ lực, có giá trị chiến lược cao. Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số với Singapore (Xin-ga-po), New Zealand (Niu Di-lân) và Chile (còn gọi là DEPA).

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chủ trương góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế quốc tế tương xứng với sức mạnh kinh tế của đất nước. Theo đó, Hàn Quốc sẽ chú trọng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với hơn 2 tỷ USD dành cho quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) trong các lĩnh vực phát triển xanh, kỹ thuật số và sức khỏe cộng đồng trong năm 2022.

Ông Hong Nam-ki cũng cho biết sẽ tập trung vào việc ứng phó với những bất ổn bên ngoài, những thay đổi của thị trường ngoại hối và tham gia vào việc củng cố hạ tầng tài chính quốc tế. Theo đó, Hàn Quốc dự kiến ban hành Luật Giao dịch Ngoại hối mới nhằm giảm bớt các quy định và thủ tục giao dịch ngoại cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức tài chính.

Đặc biệt, đối với “Kế hoạch xúc tiến FTA 2022 và phương hướng hợp tác kinh tế song phương”, Phó Thủ tướng Hàn Quốc đưa ra dự báo rằng các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương ngày càng đi vào chiều sâu và Hàn Quốc sẽ tập trung vào những việc làm cụ thể, hướng đến các mục tiêu cụ thể trong quan hệ với hai nước.