Hàng hóa Tết hình thành mặt bằng giá mới làm giảm sức mua trên thị trường
Sắm hàng Tết sớm trong sức mua giảm và giá cả tăng cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc 11 tháng năm 2021, CPI ở mức 1,84% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua, là một tín hiệu đáng mừng cho kết quả kiểm soát lạm phát trong một năm đầy những khó khăn ở thị trường nội địa Việt Nam khi có dịch.
Tính riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội, kết thúc 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội giảm 8,7% so với cùng kì 2020 (nếu loại trừ giá thì còn giảm sâu hơn là 10,4%).
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định việc mua sắm Tết có khả năng sớm hơn những năm trước bởi Việt Nam vẫn còn đang tiếp tục chống dịch, khả năng bùng phát dịch lớn cũng ko loại trừ. Chính vì vậy tâm lý mua sắm sớm hơn là một điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo ông Phú, một mặt bằng giá mới đã hình thành đối với nhiều mặt hàng theo chiều hướng tăng lên đem lại bất lợi trong chi tiêu của từng gia đình và làm giảm sức mua xã hội. Điều này xuất phát từ chi phí đầu vào của sản xuất và lưu thông tăng lên bởi sự tăng giá của xăng dầu, ga thời gian qua.
Tết năm nay là cái Tết thực sự khó khăn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội không loại trừ trường hợp nếu dịch bùng phát, sức ép phục vụ dồn về hầu hết các siêu thị còn đang hoạt động, từ đó dẫn tới quá tải gây ra những căng thẳng về mua sắm và làm tăng đột biến giá cả một số mặt hàng thiết yêu trên thị trường.
Trong các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, giá thịt lợn được ông Phú quan tâm sâu bởi đây là mặt hàng vô cùng quan trọng chiếm tới 70% tỉ trọng thịt tiêu dùng của các gia đình Việt Nam. Nghịch lý là giá lợn hơi đang giảm mạnh, giảm đến trên 50%, thậm chí 60% thì giá bán lẻ thịt lợn ở chợ và nhất là ở một số siêu thị vẫn sẽ cao bất thường.
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng vừa khuyến cáo ngay từ đầu năm, áp lực lạm phát được đánh giá là rất lớn, nhất là khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra sớm nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 có thể ở mức cao theo quy luật khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao thời điểm cận Tết.
Đưa ra bức tranh chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 và áp lực lạm phát năm 2022, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: Quốc hội đề ra mục tiêu CPI tăng khoảng 4% trong năm 2022 và đây là quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này sẽ không dễ dàng, thậm chí lạm phát còn tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm.
Lý giải nguyên nhân của khó khăn này, theo ông Long, nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.
Đồng thời, các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ năm 2022 sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Ngoài ra, tăng trưởng mạnh của thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số... có thể lan tỏa đà tăng giá sang thị trường hàng hóa bởi kỳ vọng chi tiêu, tiêu dùng nhiều hơn khi thu nhập tăng.
Cần kế hoạch phục vụ hàng hoá tỉ mỉ hơn những cái Tết bình thường
Nhấn mạnh năm 2022 là một năm đặc biệt do tác động từ đại dịch COVID-19, chuyên gia Vũ Vinh Phú khuyến nghị việc bình ổn giá cả thị trường phải tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả thực sự, chứ không phải bình ổn trên giấy.
Bình ổn chủ yếu phải giải quyết bài toán cung cầu, chứ không phải chỉ có 20 – 30% lượng hàng hóa bình ổn ở các siêu thị, chợ là có thể bình ổn được giá cả. Ông Phú cho rằng, bình ổn giá không chạy theo giá thị trường, như thế sẽ mất tác dụng của khâu bình ổn giá mà các địa phương đã thực hiện gây mất niềm tin cho người tiêu dùng trong năm 2021 và những năm trước đây.
Về công tác thu mua nguồn hàng phục vụ Tế,t nhất là ở các thành phố lớn có sức mua cao và sự tiêu thụ lớn thì việc tổ chức kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa một cách đều đặn và hiệu quả cho nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết là một việc quan trọng .
Chuỗi cung ứng phải phát triển tăng về số lượng, tăng về độ kết dính, giảm chi phí vận chuyển lưu thông. Đặc biệt cần hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi, bởi đây là gốc của sự phát triển.
“Quản lý thị trường cần có trách nhiệm cao để nhặt những “hạt sạn” gây tâm lý bất ổn về giá cả thị trường và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Phục vụ cho tiêu dùng đợt Tết Nhâm Dần 2022 đòi hỏi cần có nhiều cố gắng hơn so với những cái Tết bình thường khác.
Các địa phương cần xây dựng kế hoạch phục vụ tỉ mỉ, chu đáo, khoa học. Các doanh nghiệp bán lẻ cần có kế hoạch riêng cho mình để đảm bảo hàng hóa được bán ra đều đặn, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn vệ sinh. Dịp Tết cũng là thời điểm để doanh nghiệp củng cố thêm cho thương hiệu của mình, tạo niềm tin cho khách hàng thân thích”, ông Phú nhấn mạnh.