Hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ qua cảng biển Việt Nam đứng thứ 2 châu Á
Cục Hàng hải cho biết, thời gian vừa qua, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển ngày càng phát triển quy mô hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp và các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam.
Đơn cử như, Tập đoàn PSA - Singapore (nhà khai thác cảng số 3 thế giới) đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác Cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hong Kong (nhà khai thác cảng biển số 1 thế giới) đầu tư bến cảng SITV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...
Các hãng tàu lớn cũng tham gia đầu tư, khai thác nhiều bến cảng tại Việt Nam như Mitsui O.S.K line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan Trung Quốc) đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép; hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…
Hai nhóm cảng biển lớn nhất cả nước hiện nay là nhóm cảng biển số 1 và 4 đều có sự phát triển, đầu tư. Với nhóm cảng biển số 1, năng lực và tổ chức khai thác cảng đã được cải thiện đáng kể tại các khu bến cảng mới. Công suất xếp dỡ container tăng ấn tượng (từ 500-800 Teus lên 1.000-1.200 TEUs trên mét dài bến).
Nhóm cảng biển số 4 là nhóm cảng biển phát triển nhất cả nước, tập trung là nhóm cảng biển khu vực TPHCM và khu vực Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) với hơn 100 bến cảng và 220 cầu cảng, chiều dài gần 40.000 m. Nhiều cảng được đầu tư với quy mô đồng bộ, hiện đại trang thiết bị xếp dỡ năng suất cao, năng suất xếp dỡ đạt tiêu chuẩn cấp khu vực và quốc tế, thời gian giải phóng tàu nhanh.
Bến cảng Cát Lái (TPHCM) là khu cảng tập trung khối lượng container thông qua lớn nhất trên cả nước, tiếp nhận tàu trọng tải từ 20.000 đến 30.000 tấn hoặc lớn hơn (giảm tải), chủ yếu vận tải đi các tuyến châu Á.
Khu cảng Cái Mép - Thị Vải là bến cảng nước sâu lớn nhất cả nước đã có khả năng đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới vào làm hàng (tàu trọng tải 240.000 DWT). Năm 2022, khu vực cảng Cái Mép đã thiết lập được 22 tuyến đi châu Mỹ, 2 tuyến đi châu Âu và 10 tuyến đi nội Á, tăng khoảng 3 lần so với năm 2013 (năm 2018 có 8 tuyến đi châu Mỹ và châu Âu).
Việt Nam có hơn 100 tuyến vận tải nội Á
Bên cạnh 25 tuyến vận tải đi châu Mỹ (tập trung ở hai cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải) và 3 tuyến đi châu Âu (tập trung ở hai cụm cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải), Cục Hàng hải còn cho biết, hiện, Việt Nam có trên 100 tuyến vận tải nội Á, tập trung vào các cụm cảng số 1 (Hải Phòng, Quảng Ninh), số 3 (Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Nam) và số 4 (TPHCM, Vũng Tàu).
"Hiện tại, Việt Nam là một trong 3 nước có sản lượng hàng hóa thông qua và tuyến vận tải lớn nhất trong khu vực (cùng với Malaysia và Singapore)", Cục Hàng hải thông tin.
Năm 2022, sản lượng hàng qua cảng biển đạt 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng hóa container thông qua cảng biển Việt Nam cũng trên đà tăng trưởng, đạt trên 25,1 triệu TEUs tăng 5% so với cùng kỳ.
Theo nền tảng mua bán container toàn cầu Container xChange, chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua đang chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác do chính sách Zero-Covid của Trung Quốc. Container xChange nhận định, các công ty vận tải container toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa các tuyến thương mại hàng hóa, từ các tuyến tính tuyến sang đa dạng tuyến. Trong đó, các quốc gia như Malaysia, Việt Nam và Singapore đang nổi lên như những đối thủ nặng ký trong "cuộc chiến" tuyến vận tải thương mại container.
Có thể thấy, năng lực cảng biển Việt Nam hiện nay là tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích quan trọng trong chuỗi hải trình toàn cầu.