Hàng không bền vững sẽ tạo đà để Việt Nam thực hiện các mục tiêu UNSDG
Về những đóng góp của ngành hàng không trong việc tạo tiền đề và chìa khóa để Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (UNSDG) trước năm 2030, ông Graham Webb, Giám đốc Phát triển Bền vững của Pratt & Whitney đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về các mục tiêu nói trên.
Có thể thấy rõ là trong ngành hàng không, bao gồm các sân bay, hãng hàng không và nhà sản xuất, tất cả đều đang sẵn sàng đối mặt với thách thức biến hàng không bền vững thành hiện thực, và cùng cam kết đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050. Tại Đại hội đồng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) sắp tới vào tháng 9 năm nay, việc thông qua Mục tiêu Hoài Bão Dài hạn (LTAG) sẽ là mang tính thiết yếu đối với ngành hàng không toàn cầu trong việc duy trì động lực thực hiện các chính sách nhằm đạt được mục tiêu không phát thải ròng, cũng như hỗ trợ nỗ lực lớn hơn góp phần giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 ºC.
Theo ông Graham Webb, Việt Nam đang có những tiến triển vượt bậc trong việc thực hiện các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết năng lượng sạch trên khắp các lĩnh vực ngành nghề.
Ngành hàng không đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch COVID-19. Cụ thể, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) xếp Việt Nam trong số 25 thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh nhất thế giới, với 39 triệu lượt hành khách bay nội địa trong sáu tháng đầu năm 2022. Đồng thời, thị trường du lịch quốc tế cũng đang hồi phục ổn định với việc thêm nhiều hãng hàng không đưa Việt Nam vào lộ trình bay quốc tế của mình. Sự phục hồi và tăng trưởng tích cực của cả ngành hàng không quốc tế và du lịch nội địa là một lời nhắc nhở đối với việc cần thiết phải xây dựng một ngành hàng không sạch và bền vững hơn tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, ông Graham Webb cũng cho rằng khi các ngành công nghiệp sản xuất điện và giao thông vận tải mặt đất chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo thì tỷ lệ phần trăm phát thải CO2 toàn cầu của ngành hàng không sẽ tăng lên nếu không tìm ra giải pháp mới giúp các hãng hàng không và nhà khai thác dịch vụ hàng không khác cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu và giảm lượng khí thải CO2.
Thay vào đó, chúng ta cần phải tìm tòi và phát triển một loạt giải pháp công nghệ đa dạng cho nhiều ứng dụng trong ngành.
Chia sẻ từ kinh nghiệm của tập đoàn mình, ông Graham Webb cho biết, Tập đoàn Pratt & Whitney được trang bị cho nhiều loại máy bay, từ máy bay cánh quạt nhỏ đến máy bay thương mại cỡ lớn.
Một trong những đột phá quan trọng nhất trong thiết kế động cơ máy bay gần đây là công nghệ động cơ Geared Turbofan (GTF) của Pratt & Whitney, cho phép các loại máy bay chở khách một lối đi như A320neo tăng thêm đến 16% hiệu suất hoạt động so với các thế hệ trước.
Điều đặc biệt và ý nghĩa nhất từ những cải tiến nói trên là kể từ khi được trang bị năm 2016, động cơ GTF đã giúp giảm thiểu hơn 8 triệu tấn CO2. Và đây mới chỉ là điểm khởi đầu, vì chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn để đưa công nghệ GTF tiến xa hơn nữa. Pratt & Whitney cũng đã và đang làm điều tương tự với động cơ GTF Advantage, giúp tăng thêm 1% hiệu suất sử dụng nhiên liệu.
Pratt & Whitney cũng đang tiếp tục nghiên cứu tối ưu hóa hiệu suất bằng cách sử dụng các công nghệ động cơ điện-hybrid tiên tiến, có thể nâng cao hiệu suất các máy bay phản lực cánh quạt và phản lực một lối đi loại nhỏ, vốn đang thống trị các đường bay nội địa Việt Nam và trên khắp Đông Nam Á.
Mục tiêu đặt ra là lập kế hoạch đến năm 2024 sẽ chứng minh tiềm năng của động cơ điện-hybrid có thể tiết kiệm nhiên liệu đến 30% so với máy bay động cơ phản lực cánh quạt loại nhỏ tốt nhất hiện nay.
Theo ông Graham Webb, cải thiện hiệu năng của các hệ thống động cơ đẩy chỉ mới là một yếu tố nhằm đạt được các mục tiêu khử carbon trong ngành hàng không. Mà một nhân tố cốt lõi khác vô cùng quan trọng là sử dụng nhiên liệu sạch và bền vững hơn.
Hiện nay, nhiên liệu Hàng không Bền vững (SAF) được phát triển từ nhiều loại vật thô không phải nhiên liệu hóa thạch, đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm lượng phát thải ròng của ngành hàng không. Công nghệ SAF hiện đã sẵn sàng tương thích với máy bay và cơ sở hạ tầng ngày nay, và do đó sẽ là con đường ngắn nhất giúp khử carbon cho hàng chục nghìn máy bay đang hoạt động cũng như trong các thập kỷ tới. Tuy nhiên, hiện nay SAF hiện chỉ chiếm chưa đến 0,1% nhiên liệu được sử dụng trong các máy bay thương mại.
Ông Graham Webb cho biết, ở Pratt & Whitney đã tham gia tích cực vào quá trình thử nghiệm SAF trong hơn một thập kỷ qua, hỗ trợ tối đa các cơ quan chức năng quản lý ngành hàng không trong việc chế tạo, phê duyệt và công bố các tiêu chuẩn hiện hành cho phép SAF được sử dụng pha trộn với nhiên liệu Jet A tiêu chuẩn với nồng độ đến 50%. Và để đẩy nhanh hơn nữa tiềm năng khử carbon của những loại nhiên liệu này, Pratt & Whitney cũng tiếp tục cải tiến các công nghệ cần thiết cho phép SAF được sử dụng toàn phần trong tương lai.
Bên cạnh đó, Pratt & Whitney cũng đang xem xét các nhiên liệu thay thế không phát thải carbon khác ngoài SAF, chẳng hạn như nhiên liệu hydro. Bởi vì, nhiên liệu hydro mở ra nhiều cơ hội sáng tạo ở khía cạnh thiết kế động cơ có thể mang lại hiệu quả cao hơn.
"Nhiên liệu sạch như SAF và hydro sẽ mang lại những lợi ích bổ sung giúp giảm lượng khí thải phi CO2, cũng là nhân tố góp phần gây giảm thiểu sự biến đổi khí hậu hiện nay. Nỗ lực của Pratt & Whitney nhằm phát triển các công nghệ động cơ đẩy hiệu quả hơn nữa và sự chuyển đổi sang nhiên liệu sạch cũng đồng hành với sự phát triển của ngành hàng không, với các mục tiêu bền vững của Việt Nam và quan trọng nhất là đối với sức khỏe lâu dài của hành tinh chúng ta", ông Graham Webb khẳng định.