Hàng loạt định chế tài chính, quỹ đầu tư quốc tế tìm cơ hội ở Trung tâm tài chính Việt Nam
Ngày mai (16/1), UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam".
Ban tổ chức cho biết, một loạt định chế tài chính quốc tế, quỹ đầu tư tầm cỡ cũng sẽ tham dự hội nghị này. Bên cạnh đó, nhiều công ty về Fintech, trung tâm dữ liệu đã tham quan khu vực Trung tâm tài chính, Trung tâm thương mại tự do, khu vực Logistics… để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư rất quan tâm đến việc phát triển trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại và giải trí thế giới,…
Theo UBND TP. Đà Nẵng, mô hình Trung tâm tài chính của Đà Nẵng là một hệ sinh thái đa thành phần bao gồm các trung tâm phát triển tập trung cho 3 nhóm dịch vụ, gồm thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh.
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, Đà Nẵng đang có cơ hội lớn khi vừa được thông qua cơ chế đặc thù phát triển khu thương mại tự do, kết nối với Khu vực cảng Liên Chiểu chiến lược, vừa có cơ chế để tiến tới lập Trung tâm tài chính, những chính sách mới này đang mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư quốc tế tìm tới thành phố.
Trước đó, ngày 3/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một loạt chính sách "chưa từng có" cho các trung tâm tài chính sắp tới của đất nước, nhằm tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn toàn cầu. Việt Nam sẽ thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM và TP. Đà Nẵng. Ranh giới địa lý cụ thể sẽ do chính quyền địa phương đề xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định Việt Nam sở hữu những yếu tố kinh tế cần thiết và lợi thế tự nhiên để phát triển các trung tâm tài chính mới, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Đây là bước đi nhằm thu hút nguồn vốn đang dịch chuyển từ các trung tâm truyền thống như London, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Theo đề xuất, các tổ chức phải đăng ký thành viên tại các trung tâm này, nơi áp dụng thủ tục hành chính đơn giản cho một số hoạt động nhất định, đặc biệt là việc thành lập và quản lý các tổ chức tài chính nước ngoài.
Các trung tâm cũng cho phép giao dịch bằng đồng Việt Nam hoặc các loại tiền tệ có thể chuyển đổi khác, cũng như áp dụng các "khung pháp lý thử nghiệm" cho hoạt động của các doanh nghiệp Fintech, bao gồm cả sàn giao dịch tiền mã hóa.
Cá nhân và doanh nghiệp đáp ứng được một số tiêu chí nhất định có thể được miễn hoặc giảm thuế từ thu nhập có được từ hoạt động tại các trung tâm tài chính.
Đặc biệt, các dự án đầu tư của tập đoàn nằm trong top 500 công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes và các doanh nghiệp tài chính toàn cầu sở hữu toàn bộ vốn nước ngoài đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế đặc biệt.
Các chính sách khác bao gồm: Ưu đãi và cơ chế tham gia của nhà đầu tư chiến lược; sử dụng đất; xây dựng; phát triển hạ tầng; xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; phí và giải quyết tranh chấp trong trung tâm tài chính.
Do hầu hết các chính sách đề xuất đều "chưa từng có" và "vượt khung pháp lý hiện hành của Việt Nam", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan, chính quyền địa phương và doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết./.
Minh Ngọc