Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp dội sàn chứng khoán

10:21 | 03/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 2 quý cuối năm, hàng tỷ cổ phiếu thưởng, cổ phiếu ESOP và cổ phiếu riêng lẻ được các ngân hàng phát hành sẽ ồ ạt đổ bộ lên sàn chứng khoán.

Lượng cổ phiếu khủng này cộng với mức giá hiện tại của cổ phiếu ngân hàng đã quá cao khiến nhiều người lo ngại rằng, giá cổ phiếu “vua” sẽ có những cú điều chỉnh dài.

Ít nhất hơn 7 tỷ cổ phiếu ngân hàng dội sàn chứng khoán

Mới đây, các ngân hàng MB và VietinBank đã thông báo chốt danh sách chia cổ tức vào nửa đầu tháng 7/2021. Theo đó, dự kiến chỉ trong 1-2 tháng nữa, hơn 1 tỷ cổ phiếu CTG của VietinBank và gần 980 triệu cổ phiếu MBB của MB sẽ “đổ bộ” sàn chứng khoán.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, hai ngân hàng trên sẽ tiếp tục tung ra thị trường hàng trăm triệu cổ phiếu nữa qua chia cổ tức năm 2020 (VietinBank) và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP - cổ phiếu thưởng hoặc bán cho người lao động (MB).

Trước đó, ngày 16/6, thêm 175 triệu cổ phiếu trả cổ tức của SHB đã được đưa giao dịch trên thị trường. Một số ngân hàng khác cũng đã hoàn tất phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông và số cổ phiếu này dự kiến về tài khoản nhà đầu tư trong quý III/2021.

Cụ thể, ACB phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 25%), VIB phát hành 443 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 40%), VietBank (VBB) phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 14%).

Một loạt ngân hàng khác đã thông báo tỷ lệ chia cổ tức và dự kiến sớm chốt danh sách phát hành cổ phiếu trong 2 quý tới với số lượng phát hành khủng. Theo đó, MSB phát hành 347 triệu cổ phiếu trả cổ tức 30% (chưa kể 18 triệu cổ phiếu quỹ vừa được phép bán), NamABank phát hành 105 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và năm 2020, OCB phát hành 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức 25%, BacABank phát hành 44,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 6,3%, HDBank phát hành 398 triệu cổ phiếu trả cổ tứ 25%…

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng sắp dội sàn chứng khoán - ảnh 1

Thị trường còn chứng kiến 3 thương vụ phát hành khủng dù thông tin chi tiết chưa có. Cụ thể, Vietcombank đang chờ Chính phủ phê duyệt phương án chia cổ tức 27,6% bằng cổ phiếu. Nếu được phê duyệt, Vietcombank sẽ tung hơn 1 tỷ cổ phiếu ra thị trường.

Tương tự, BIDV cũng đang đợi phương án tăng vốn được phê duyệt. Nếu được chấp thuận, ngoài phát hành gần nửa tỷ cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2019 và 2020 trong quý III-IV/2021, BIDV sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, với việc chia cổ tức năm 2020 cùng các hình thức tăng vốn như phát hành ESOP, bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, hàng tỷ cổ phiếu VPB sẽ được tung ra thị trường trong giai đoạn 2021-2022.

Như vậy, trong 2 quý cuối năm, có ít nhất 7 tỷ cổ phiếu ngân hàng dội sàn chứng khoán, chưa kể hàng tỷ cổ phiếu VPB.

Lợi nhuận lớn cộng với chia cổ tức khủng là động lực khiến cổ phiếu ngân hàng thăng hoa trong 6 tháng đầu năm nay, với mức tăng từ 50% tới hơn 100%. Tuy nhiên, sự pha loãng mạnh của cổ phiếu ngân hàng cùng với mức tăng quá lớn đang khiến cổ phiếu “vua” đứng trước nguy cơ điều chỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư (Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng) cho rằng, mặc dù triển vọng lợi nhuận ngân hàng năm nay rất tốt, song các yếu tố tích cực đã được hấp thụ vào giá, cộng với cổ phiếu bị pha loãng quá nhiều. Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay, theo ông Khánh, chỉ nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng trong ngắn hạn, chia nhỏ từng đoạn để linh hoạt ứng phó với diễn biến thị trường.

Vẫn còn cơ hội cho cổ phiếu “vua”

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, trong quý III/2021, cổ phiếu ngân hàng đứng trước áp lực điều chỉnh do đã tăng giá quá mạnh trong 6 tháng đầu năm, cộng với hàng tỷ cổ phiếu mới được đưa vào thị trường, mức độ pha loãng lớn. Dòng tiền trong quý III/2021 dự đoán sẽ được lan tỏa sang nhiều ngành hơn, thay vì tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng như những tháng qua.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cổ phiếu bị pha loãng, giảm giá cũng sẽ kích thích sức mua tăng trở lại. Dẫu vậy, sức mua không diễn ra đồng loạt với nhóm cổ phiếu ngân hàng, mà tập trung ở các ngân hàng được nới room tín dụng ở mức cao, có kết quả kinh doanh tốt, nợ xấu thấp. Trên thực tế, năm 2021, ngân hàng vẫn là một trong những nhóm ngành hiếm hoi được dự báo có kết quả kinh doanh sáng sủa nhất.

Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư (Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset) cho rằng, cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh sau sau một thời gian tăng nóng là dễ hiểu. Song trong vài năm tới, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu đáng đầu tư nhất trên sàn chứng khoán nhờ kết quả kinh doanh vượt trội so với nhiều ngành khác, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng của Covid-19.

Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng đánh giá, thông tin nới room tín dụng công bố tới đây cùng với kết quả kinh doanh quý II/2021 dự báo khả quan của nhiều ngân hàng sẽ khiến cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tích cực.

Dù vậy, chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán cũng khuyến cáo, nhà đầu tư không nên mua đuổi cổ phiếu ngân hàng, mà chỉ nên mua vào khi thị trường điều chỉnh và lựa chọn những mã cổ phiếu có room tín dụng tích cực, được định giá hợp lý, có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hoặc có các câu chuyện riêng.

Báo Đầu tư

ĐỌC NHIỀU