Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngân hàng ra sao tại thời điểm hiện tại?

Diệp Bình 07:12 | 05/09/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo VDSC, những chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng. Các chuyên gia kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ cho thấy sự phục hồi rõ rệt hơn sẽ đưa nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.

Nửa đầu năm 2023, sự giảm tốc trong kết quả kinh doanh của các  ngân hàng được đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước. Tuy nhiên, dưới tác động của chính sách tiền tệ mở rộng và các giải pháp tài khóa, các chuyên gia cũng kỳ vọng nửa sau của năm 2023 sẽ có những diễn tiến khả quan hơn về thu nhập cũng như lợi nhuận của ngành.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng

Nhận định trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với kịch bản phần lớn hoạt động kinh tế sẽ hồi phục từ cuối năm 2023 và khả quan trong năm 2024 thì cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng về giá ở mức P/B hiện tại.

Theo các chuyên gia của VDSC, định giá ngành đã phục hồi tương đối sau khi có hướng tháo gỡ cho các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản (BĐS). Mức P/B hiện tại của ngành ngân hàng tương đương giai đoạn 2016 – 2017 khi thị trường BĐS bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn dài trầm lắng.

"Do vậy, cho bối cảnh hiện tại, chúng tôi cũng kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ cho thấy sự phục hồi rõ rệt hơn để nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.", báo cáo viết.

Theo đó, chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp giúp rủi ro nợ xấu tăng cao ở một số ngân hàng thương mại được trì hoãn và có thể không hiện thực hóa. Trong trường hợp này, các ngân hàng thương mại nhóm 1 như Techcombank và MB sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.

 

 

Trong 6 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện rõ ưu tiên mục tiêu giảm lãi suất nhằm hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số rủi ro về các biến số vĩ mô được đẩy lùi trong khi bức tranh tăng trưởng kinh tế kém khả quan khiến nhà điều hành đẩy nhanh ưu tiên giảm lãi suất.

Cụ thể, lạm phát  được kiểm soát ổn định và tạo đỉnh trong quý I/2023; nhu cầu tín dụng chững lại với tăng trưởng tín dụng thấp trong nửa đầu năm và đồng USD hạ nhiệt cùng với nhu cầu nhập khẩu suy yếu tạo điều kiện để tăng cường dự trữ ngoại hối thời điểm đầu tháng 5/2023 ghi nhận khoảng hơn 92 tỷ USD.

 

Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh và dao động ở mức thấp kèm theo khối lượng giao dịch lớn cũng cho thấy sự dồi dào về thanh khoản trong hệ thống.

Với các đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN kể từ tháng 3 đến đến tháng 6, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm từ 6% xuống còn 4,75%. Cùng với đó, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cũng lần lượt giảm từ 3,5% và 6% xuống 3% và 4,5%. Như vậy, các loại lãi suất này đã quay trở lại mức trước giai đoạn căng thẳng thanh khoản do biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi NHNN tăng lãi suất điều hành vào tháng 10/2022.

 

Chi phí huy động có khả năng đạt đáy vào quý III

VDSC nhận định việc chi phí huy động tăng mạnh trong quý I đãphản ánh các đợt tăng lãi suất niêm yết của hệ thống ngân hàng vào quý IV/2022 và đã tăng chậm lại trong quý II trên toàn ngành nhưng khác nhau về mức độ giữa các ngân hàng, phụ thuộc vào vào cấu trúc và lợi thế huy động của từng ngân hàng.

Các chuyên gia phân tích dự báo chi phí huy động sẽ bắt đầu giảm dần trong quý III do phần lớn cấu trúc huy động của hầu hết các ngân hàng là tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 3 đến 6 tháng nên sẽ phản ánh rõ ràng hơn tác động của việc cắt giảm lãi suất tiền gửi niêm yết kể từ tháng 3.

Hiệu ứng này sẽ tiếp diễn trong quý IV khi chi phí huy động dự kiến sẽ duy trì đi ngang hoặc vẫn có thể giảm nhẹ trong kịch bản NHNN thông báo một đợt cắt giảm lãi suất nữa. Hiện tại, do nhóm Big4 gần đây đã tiếp tục giảm các mức lãi suất tiền gửi niêm yết có hiệu lực từ giữa tháng 7, chi phí huy động của nhóm này có thể sẽ giảm mạnh hơn.

"Với việc chi phí huy động bắt đầu giảm dần từ quý II và có khả năng đạt đáy trong quý III, chúng tôi dự phóng lãi suất cho vay sẽ đi theo xu hướng giảm với tốc độ chậm hơn kể từ quý III do độ trễ trong việc tái định lãi suất khoảng 3 đến 6 tháng," VDSC dự báo.

Cùng với đó, NIM mặc dù có thể phục hồi so với quý I và quý II, tuy nhiên cho cả năm 2023 NIM sẽ ghi nhận giảm phân hóa theo từng nhóm ngân hàng. Động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi hạ nhiệt dẫn đến tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng ở mức thấp so với quá khứ trước khi quay lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm 2024.

 

Những ngân hàng cho vay đối với các nhà phát triển BĐS cho thấy tăng trưởng tín dụng vượt trội

Báo cáo của VDSC cũng dự báo mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ phục hồi vào khoảng 12% cho cả năm 2023 (thấp hơn 14,5% của năm 2022).Trong đó, tín dụng liên quan đến bất động sản là động lực của tổng tăng trưởng tín dụng trong nhiều năm, chiếm khoảng 20% dư nợ tín dụng, 

Do đó,việc lãi suất cho vay đối với các khoản vay mua nhà trở về mức ưu đãi, các dự án sắp chào bán vào cuối năm nay có thể tiếp tục là động cơ thúc đẩy nhu cầu tín dụng của các nhà phát triển và cá nhân ở nửa sau năm 2023 và 2024.

Theo dõi của VDSC cũng cho thấy hầu hết ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp hơn cùng kỳ năm trước, tuy nhiên những ngân hàng cho vay đối với các nhà phát triển BĐS cho thấy tăng trưởng tín dụng vượt trội hơn trong khi các ngân hàng có tỷ trọng khối khách hàng cá nhân cho thấy sự chậm lại.

 

Nợ xấu hạ nhiệt nhưng vẫn neo cao

Tỷ lệ nợ xấu vẫn neo cao trong quý II nhưng tốc độ hình thành nợ xấu đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi ở mức kỷ lục trong quý I, nợ xấu đã ghi nhận ba quý tăng liên tiếp.

Theo khảo sát tại 27 ngân hàng niêm yết, tỷ lệ nợ xấu ngành dù vẫn tiếp diễn đà tăng nhưng tốc độ đã chậm lại, ở mức 2,1%, với mức tăng lớn nhất 25% đến từ nợ Nhóm 4 (trong quý VI/2022 nợ nhóm 2 đã tăng đáng kể, tới quý I/2023 nợ nhóm 3 tăng tới 68%).

Đồng thời, sự phân hóa rõ nét giữa chất lượng tài sản của các nhóm ngân hàng cổ phần với nhóm Big4 đã giảm dần, xu hướng cải thiện dường như đã trở nên đồng thuận hơn trong quý II.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hình thành đã chậm lại trên cả 4 nhóm ngân hàng, tuy nhiên vẫn cho thấy mức độ khác nhau giữa từng ngân hàng cụ thể, đặc biệt là áp lực vẫn còn đáng kể đối với các ngân hàng bị ảnh hưởng bởi biến động trên thị trường bất động sản và những khó khăn từ phân khúc khách hàng cá nhân (như VPBank, HDBank, OCB…).

Trong khi đó, nhờ vào cách tiếp cận cho vay thận trọng, Vietcombank và ACB duy trì là hai ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống. Áp lực về nợ xấu hình thành sẽ được xoa dịu nhờ vào các hỗ trợ chính sách.

 

Việc ban hành Thông tư 02 có hiệu lực từ 24/4/2023 của NHNN được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khả năng làm mềm xu hướng gia tăng của tỷ lệ nợ xấu và phần nào giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng trong vài quý tiếp theo, đặc biệt là quý II và quý III năm 2023. 

Tính đến 31/7/2023, tổng số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 toàn hệ thống là 96.000 tỷ (tương đương 0,8% dư nợ tín dụng cùng thời điểm).

VDSC đánh giá tổng quy mô nợ cơ cấu theo Thông tư 02 trên tổng dư nợ sẽ thấp hơn so với quy mô trong đại dịch COVID-19.

Với việc nợ xấu hình thành vẫn ghi nhận ở mức cao trong quý II do đà tăng mạnh của nợ Nhóm 2 trong quý đầu năm, chuyên gia của VDSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ ghi nhận mức đỉnh trong quý III để tạo cơ sở cho sự giảm nhẹ về phía cuối năm khi sức khỏe nền kinh tế được dự kiến phục hồi.