Hàng xách tay sẽ bị xem là hàng lậu và xử phạt lên đến 200 triệu đồng

09:31 | 09/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kể từ ngày 15/10, kinh doanh hàng xách tay mà không cung cấp đủ hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan sẽ bị coi là hàng nhập lậu, mức phạt lên tới 200 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15-10 tới.

Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt như sau:

Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020 (hiện hành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu).

Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 98/2020 (hiện hành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hoặc phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 100 triệu đồng tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu).

Trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 98/2020 thì bị phạt tiền gấp hai lần mức nêu trên (tương đương mức phạt tối đa có thể lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 200 triệu đồng đối với tổ chức):

- Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

- Hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Hàng xách tay sẽ bị xem là hàng lậu và xử phạt lên đến 200 triệu đồng - ảnh 1
Liệu hàng xách tay có thật sự "hết đất sống"? (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm (trừ trường hợp buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng); tịch thu phương tiện vận tải vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), hàng xách tay sẽ không bị xem là vi phạm nếu cá nhân đem từ nước ngoài về với mục đích sử dụng, biếu tặng. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường buôn bán thì phải khai báo rõ ràng và nộp thuế, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. 

Ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế - Tổng cục QLTT, khẳng định về bản chất, hàng xách tay chính là hàng lậu. Cách gọi "hàng xách tay" xuất phát từ giới kinh doanh và đây là cách gọi thông dụng ngoài thị trường. Hàng hóa xách tay xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam thực chất là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Cũng bởi tính chất phức tạp nên để ngăn chặn tình trạng này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ. 

Tâm lý người Việt thích hàng xách tay bởi quan niệm đây là sản phẩm chất lượng cao, chính hãng, giá "mềm" do không phải chịu thuế. "Xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Để xử lý được tận gốc tình trạng này, cần đồng bộ chính sách từ thương mại, thị trường đến thuế, hải quan…" - ông Kiều Dương đề xuất.

Hải Yến 

Xem thêm: Xuất khẩu tôm, cá ngừ sang EU tăng trở lại sau thời gian `chạm đáy` do Covid-19