Hành lang vận tải nào tốt cho chuỗi cung ứng Việt Nam-Âu/Mỹ trong 20 năm tới?
Đây là thông tin mà ông Trần Chí Dũng, Viện Quản trị Logistics Toàn cầu (GLI) đưa ra tại Hội thảo Xây dựng năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng và logistics khu vực Châu Âu, Châu Mỹ” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Kênh đào Panama có công suất mở rộng đã và đang làm thay đổi cấu trúc của các hệ thống phân phối vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Các cảng Bờ Đông có thể được phục vụ thông qua các tuyến trung chuyển từ các trung tâm chuyển ở vùng biển Caribbean. Ít nhất, việc mở rộng kênh đào Panama sẽ mở rộng tùy chọn định tuyến.
Các tuyến hành lang vận tải phục vụ chuỗi cung ứng Việt Nam-Âu/Mỹ trong 20 năm tới có chung đặc điểm là hệ thống vận hành hiện tại đang chạy ở hai cấp độ: 180-250 km/giờ và hơn 250 km/giờ. Nhiều quốc gia đang lên kế hoạch cho hệ thống hơn 250 km/h.
Riêng ở Đông Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới và Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các liên kết nhanh ở các tỉnh ven biển và cả các khu vực phương Tây.
Ở Nam Á, Ấn Độ đang lên kế hoạch phát triển đột phá đường sắt với các dự án khổng lồ hơn 250 km/giờ. ASEAN có vẻ như vẫn chậm chạp, ngoài tuyến Singapore - Malaysia, chưa có kế hoạch cụ thể nào cho các liên kết đường sắt giữa các quốc gia thành viên.
Trong 20 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể là cửa ngõ đại diện cho khu vực rộng lớn hơn 320 triệu dân Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Các nước GMS mong muốn hình thành một tiểu vùng hội nhập, thịnh vượng và công bằng hơn. Chương trình phát triển GMS trong tương lai sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đó thông qua việc tạo ra một môi trường chính sách cho phép và các mối liên kết cơ sở hạ tầng hiệu quả tạo điều kiện cho thương mại, đầu tư, du lịch xuyên biên giới và các hình thức hợp tác kinh tế khác; cùng với phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao.
Việc nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện kế hoạch phát triển các hàng lang này là quan trọng vì nó cho thấy Việt Nam không chỉ đại diện cho chính mình trong lĩnh vực hành lang vận tải mà còn là cửa ngõ rất quan trọng và gần như là duy nhất trong khu vực. Hiện nay, các tuyến vận tải đường bộ kết nối các cực trong khu vực đã phát triển và không còn thiếu kết nối chính nào, chỉ còn việc mở rộng nâng công suất một số tuyến tại Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Trong các tuyến hành lang vận tải tốt cho chuỗi cung ứng Việt Nam-Âu/Mỹ trong 20 năm tới, doanh nghiệp Việt cần lưu ý một số cơ hội từ bản Ghi nhớ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) liên quan đến việc xóa bỏ thuế quan, mở cửa thị trường Việt Nam cho các nhà cung cấp dịch vụ EU, thúc đẩy đầu tư song phương, giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.
Đáng chú ý, EVFTA sẽ hướng tới việc loại bỏ hơn 99% các mức thuế, và loại bỏ một phần còn lại thông qua hạn ngạch thuế quan hạn chế. Thỏa thuận sẽ xóa bỏ thuế quan đối với một loạt sản phẩm xuất khẩu chính của EU như máy móc, thiết bị; xe có động cơ lớn hơn 150 cc, phụ tùng ô tô, vải dệt, hóa chất, rượu, thịt lợn đông lạnh, thịt gà.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm, EU sẽ không mở cửa hoàn toàn cho hàng nhập khẩu của Việt Nam. Hạn ngạch có thể giới hạn số lượng có thể vào EU miễn thuế.
Hiện nay, Việt Nam đã cam kết cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận của các công ty EU đối với một loạt lĩnh vực dịch vụ, bao gồm: Dịch vụ kinh doanh, môi trường, bưu chính và chuyển phát nhanh, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hải.
Đồng thời, Việt Nam cam kết mở cửa đầu tư vào sản xuất trong các lĩnh vực quan trọng như sản phẩm dược phẩm và đồ uống; phân bón và vật liệu tổng hợp nitơ, lốp xe và săm, găng tay và các sản phẩm nhựa, gốm sứ, vật liệu xây dựng.
Đây là những điều kiện tiên quyết doanh nghiệp Việt cần biết để tham gia vào chuỗi cung ứng Việt Nam-Âu/Mỹ.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần hiểu được trong lĩnh vực này, cơ chế giải quyết tranh chấp được thiết lập theo thỏa thuận nhanh hơn và hiệu quả hơn cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO. Nó áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực của thỏa thuận và được dự định là phương sách cuối cùng, nếu EU và Việt Nam không tìm được giải pháp bằng các biện pháp khác. Thỏa thuận này cung cấp khả năng tham vấn chính thức và hòa giải tự nguyện để giải quyết các biện pháp ảnh hưởng xấu đến thương mại và đầu tư song phương.
Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các yếu tố để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, như các nhóm yêu cầu bắt buộc hoặc khuyến khích ở mức cao việc áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tuân thủ các chính sách an ninh của các quốc gia, khu vực. Các biện pháp cần được áp dụng xuyên suốt chuỗi cung ứng hay hàng lang vận tải, và thậm chí các doanh nghiệp cần chứng nhận ISO-28000 về an ninh toàn diện cho chuỗi cung ứng.
Hiểu và tận dụng được các cơ hội cũng như yêu cầu trên, doanh nghiệp Việt mới có thể tạo được lợi ích từ dự báo Việt Nam hoàn toàn có thể là cửa ngõ đại diện cho khu vực GMS.