Dư cung giảm - giá cước tăng, vận tải biển sẽ 'bứt tốc' trong 2024?
Tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam giảm tốc trong năm 2023
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng, tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam giảm 8,3% so với cùng kỳ, đà giảm có phần nhẹ hơn về cuối năm. Xuất nhập khẩu cả nước giảm do doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ…).
Thống kê của chứng khoán MBS trong báo cáo công bố mới đây, tổng sản lượng container thông quan của Việt Nam suy giảm mạnh trong quý I và quý II với mức giảm lần lượt 2% và 12% so với cùng kỳ do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các đầu tàu kinh tế thế giới suy giảm, tuy nhiên đã bắt đầu có sự phục hồi nhẹ trong quý III với mức tăng 2,6%. Lũy kế 10 tháng năm 2023, tổng sản lượng container của Việt Nam giảm 3%.
Trên thị trường quốc tế, sau một giai đoạn suy giảm, đà giảm giá cước vận tải container đường biển có dấu hiệu chững lại và tạo đáy từ giữa 2023 đến nay. Tính đến đầu tháng 12, chỉ số này đã giảm 35% sau khi giảm 75,7% so với cùng kỳ trong năm 2022. Đây là hệ quả của việc nhu cầu vận tải biển toàn cầu suy yếu trong khi nguồn cung tăng trong thời gian vừa qua.
Kỳ vọng sản lượng vận tải biển Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ nhu cầu bổ sung hàng hóa ở các thị trường lớn
Trong năm 2024, MBS cho rằng động lực tăng trưởng của ngành vận tải biển toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ đến từ nhu cầu bổ sung hàng tồn kho của các doanh nghiệp cũng như các nhà bán lẻ tại Mỹ và châu Âu trở lại sau giai đoạn giải phóng lượng hàng tồn kho dư thừa.
Theo đó, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải biển Việt Nam. Trong 11 tháng 2023, xuất khẩu sang Mỹ đạt 88 tỷ USD, giảm 13% và chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Lượng hàng tồn kho kinh doanh hàng tháng tại Mỹ đã ghi nhận giảm liên tục từ đầu năm cho đến hết tháng 6 trước khi bắt đầu ghi nhận tăng trưởng trở lại kể từ tháng 7. Sự phục hồi chủ yếu đến từ nhu cầu xây dựng tăng trở lại kéo theo nhu cầu bổ sung nguyên vật liệu và nội thất của Mỹ.
Đối với thị trường EU, trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 40 tỷ USD, giảm 8% và chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Mức tăng hàng tồn kho theo tháng ở châu Âu cũng đã suy giảm kể từ đầu năm 2023 do người dân thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên đã có những dấu hiệu tạo đáy kể từ tháng 6.
Công ty chứng khoán kỳ vọng nhu cầu mua sắm sẽ quay trở lại từ cuối năm nay khi bước vào các kỳ nghỉ lễ cùng với áp lực lạm phát đang hạ nhiệt hỗ trợ sức tiêu dùng ở châu Âu.
Trong 10 tháng, tổng sản lượng container thông quan của Việt Nam đạt 20,29 triệu TEU, giảm 3% so với cùng kỳ. MBS đánh giá triển vọng sản lượng container sẽ tích cực lên từ cuối năm khi đã có sự phục hồi nhẹ ở mức 2,6% trong quý III, theo đó tổng sản lượng container Việt Nam có thể giảm 2,8% trong năm 2023.
“Sang năm 2024, nhu cầu bổ sung hàng hóa phục vụ kinh doanh tại Mỹ và EU sẽ là động lực chính giúp sản lượng container có thể phục hồi và đạt mức tăng trưởng 3,5% so với năm 2022”, MBS đánh giá.
Cước vận tải biển sẽ phục hồi nhờ tình trạng dư cung giảm bớt
Theo Alphaliner, số lượng đơn đóng tàu mới tăng mạnh khiến tỷ lệ đặt hàng trên công suất toàn thị trường liên tục tăng trong giai đoạn 2021-2022, từ mức 10,4% lên mức đỉnh 29% vào tháng 3, theo đó giá cược vận tải container toàn cầu đã liên tục giảm trong giai đoạn tỷ lệ này tăng mạnh. Có thể thấy giá cước vận tải biển biến động ngược chiều với tỷ lệ đặt hàng/công suất toàn thị trường, cho thấy việc dư cung đã tác động tiêu cực đến giá cước vận tải biển.
Tuy nhiên, tỷ lệ này đã bắt đầu ghi nhận giảm kể từ tháng 6 và đến tháng 12 chỉ ở quanh mức 25% khi hầu như không xuất hiện những đơn đặt hàng mới. Giá cước tiếp tục ở mức thấp sẽ tiếp tục hạn chế những đơn đặt hàng mới và khiến tỷ lệ đặt hàng/công suất hiện tại tiếp tục giảm trong năm 2024 giúp tình trạng dư cung giảm bớt.
Cùng với kỳ vọng nhu cầu vận tải biển tăng trở lại nhờ các thị trường lớn tăng bổ sung hàng hóa kinh doanh, MBS kỳ vọng giá cước container toàn cầu sau khi giảm 35% svck trong năm 2023 có thể phục hồi khoảng 15% svck trong năm 2024.
Lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải biển có thể phục hồi tích cực theo triển vọng giá cước vận tải biển
Trong bối cảnh giá cước vận tải biển suy giảm, sản lượng luân chuyển vận tải biển Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là sản lượng luân chuyển vận tải biển quốc tế do các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã tăng quy mô đội tàu và mở rộng thị trường quốc tế trong thời gian vừa qua. Sản lượng luân chuyển vận tải biển Việt Nam 11 tháng 2023 tăng 13,9% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng luân chuyển vận tải thủy nội địa cũng đạt mức tăng 9,3%.
Mới đây, sự kiện khủng hoảng ở Biển Đỏ đã làm biến động mạnh giá vận cước tàu biển. Các vụ tấn công của lực lượng Houthi đang tạo ra rủi ro gián đoạn nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez, Biển Đỏ, khiến giá cước vận tải biển đối với hầu hết các loại tàu như tàu tanker, tàu container, tàu chở hàng rời,... tăng lên và gián tiếp hỗ trợ đà hồi phục của giá dầu.
Hãng vận tải biển hàng đầu thế giới CMA CGM vừa cho biết sẽ tính thêm phụ phí từ 325 USD - 500 USD/container 20 ft trên các tuyến từ Bắc Âu đi châu Á và từ châu Á đi khu vực Địa Trung Hải. Đồng thời, CMA CGM cho biết thời gian vận chuyển hàng hoá giữa châu Á - châu Âu dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong bối cảnh hãng này phải tạm ngừng đi qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ mà phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi.
Theo hãng tin CNBC, các doanh nghiệp logistics đã được báo giá cước vận chuyển 1 container 40 ft từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Vương quốc Anh ở mức 10.000 USD, tăng 317% so với tuần trước.
Ông Alan Baer, giám đốc điều hành hãng logistics OL USA (Mỹ) cho biết, giá cước bị đẩy lên nhanh chóng do các hãng vận tải biển tìm cách bù đắp chi phí gia tăng do chuyển hướng tàu.
"Ở một số tuyến hàng, giá cước vận chuyển đã tăng từ 100 - 300%", Giám đốc điều hành OL USA cho biết.
Với góc nhìn sự biến động ở Biển Đỏ sẽ có lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định nhóm ngành vận tải biển như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã: HAH), Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (mã: PVS) sẽ có biến động doanh thu và lợi nhuận theo hướng tích cực.