Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam thiếu người dẫn dắt

19:29 | 03/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm. Từ đó khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội.

Trong vài năm gần đây, với nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp được Chính phủ đưa ra, bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam đã trở nên triển vọng hơn trong mắt các nhà đầu tư ở châu Á.

Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đã hình thành thêm một số quỹ đầu tư như quỹ đầu tư mạo hiểm của tập đoàn Vingroup, với những vườn ươm tiêu biểu như vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc, vườm ươm doanh nghiệp CNC TPHCM, vườm ươm Đà Nẵng, trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... Chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các start-up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng ngày càng tăng. Số lượng và hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng tăng, đã có tính hệ thống hơn, phát triển các hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, khởi nghiệp ở Việt Nam mới chỉ có lượng chứ chưa có chất, chỉ khoảng 3-5% doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) có thể "sống sót" hoặc lớn mạnh.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là không gian mà chúng ta gọi là cách mạng 4.0, tạo ra những cơ hội suy nghĩ khác và làm khác để đạt được các mục tiêu.  Nếu chúng ta cứ đi theo châu Âu một cách tuần tự thì ta luôn đi sau, khởi nghiệp sáng tạo là cách để chúng ta làm khác. Chúng ta làm theo quy định, tiến theo quy trình là làm theo cái cũ, không bao giờ có đổi mới sáng tạo. Những gì chúng ta nói ở đây là phải thay đổi một cách căn bản với sự tham gia của Chính phủ chứ không phải chỉ vài ba bộ ngành.

Bên cạnh đó, ông Cung nhìn nhận hệ sinh thái khởi nghiệp hiện đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Do vậy, ứng xử với nó đừng chăm chăm quản lý, cứ để dân làm. Không phải Nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, mà quản lý phải vì phát triển. Start-up sẽ tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam thiếu người dẫn dắt - ảnh 1
 Ảnh minh họa.
Còn đối với ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập - CEO Tiki cho rằng khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị đạn dược. Các công ty khởi nghiệp ngày càng giỏi lên, tuy nhiên có vấn đề lớn là nguồn vốn và đây cũng là khó khăn trong cả thập kỷ qua. Khó khăn khi gọi vốn là nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận, làm sao thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường mà công ty lên sàn rất khó khăn. Các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng.
Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn nhưng chưa đủ lớn, chưa đạt mức nghìn tỷ USD. Do đó, ông Thái Sơn cho rằng, cần khuyến khích các công ty đi ra khỏi Việt Nam, hướng tới thị trường Đông Nam Á với quy mô hơn 2.000 tỷ USD và lớn hơn nữa. Nhưng mang vốn ra nước ngoài đầu tư là vấn đề nhạy cảm mà Nhà nước luôn phải cân đối giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm hỗ trợ Start-up, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding nhìn nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam dù đã phát triển và tiến bộ nhưng vẫn như một dàn nhạc mà thiếu nhạc trưởng để dẫn dắt. Do đó, hệ sinh thái và chính sách cần chiến lược và chiến thuật đúng đắn. Chúng ta hô hào có những doanh nghiệp tỷ USD nhưng không có chính sách, chiến lược bài bản, dài hơi mà chỉ làm ngắn hạn thì sẽ rất khó. Về mặt chiến thuật thì phải linh hoạt, hợp lý.
Hiện nay chúng ta nói quá nhiều về việc kéo các quỹ đầu tư lớn về Việt Nam nhưng theo ông Dũng, điều đó chưa cần thiết vì số lượng các start-up khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa còn rất ít. Chúng ta cần xây từ gốc xây lên, một chiến lược dài hơi. Chính phủ đã đưa ra đề án rất tốt, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Ông Dũng cho rằng nỗ lực lớn nhất từ Bộ KH&CN nhưng vẫn thiếu một nhạc trưởng cao hơn. Trong khi chờ các thể chế thì cần một môi trường đặc biệt, chẳng hạn sandbox, để thử nghiệm trong quy mô nhỏ. Chờ luật thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Ở đó các start-up có thể tự do sáng tạo, thử nghiệm.
Đồng thời ông Dũng cũng cho rằng, chưa bao giờ chính sách về khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam lại tốt như vậy. Tuy nhiên giới đại học và doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc chơi. Doanh nghiệp lớn quan tâm vì họ thấy nếu họ ngoài cuộc sẽ bị diệt vong. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, nếu thiếu con người sẵn sàng cho khởi nghiệp sáng tạo thì chúng ta sẽ không thể có start-up kỳ lần với quy mô khổng lồ.