Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Cơ hội và thách thức
EVFTA vẫn là những nội dung tương tự thương mại mà Việt Nam đã cam kết và đang tổ chức thực hiện cho đến nay, nhưng cấp độ sâu, rộng hơn. EVFTA có 13 lĩnh vực không chỉ thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sở hữu trí tuệ như WTO mà có cả Quy tắc xuất xứ hàng hóa, phát triển bền vững, hợp tác hải quan, mua sắm Chính phủ; hợp tác/nâng cao năng lực.
Nguyên tắc chung của các Hiệp định tự do hóa thương mại song phương và đa phương là: Tự do hoá thương mại (gỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan) mở cửa thị trường trong nước của nước tham gia ký kết cho bên ký kết kia và ngược lại; không phân biệt đối xử giữa đối tác thành viên này với đối tác thành viên khác (nguyên tắc tối huệ quốc); không phân biệt hàng hoá, dịch vụ, doanh nghiệp trong nước và hàng hoá, dịch vụ, doanh nghiệp các nước thành viên (nguyên tắc đối xử quốc gia); công khai, minh bạch hoá chính sách; giải quyết tranh cấp thông qua cơ quan tài phán của các bên ký kết.
Cơ hội là thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh hơn, mở rộng thị trưởng cả về thương mại và đầu tư, người tiêu dùng trong nước có nhiều sự lựa chọn hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy cải cách thể chế theo cơ chế thị trường chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Về thách thức, sẽ có sức ép về cạnh tranh cả 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Nếu các doanh nghiệp không vươn lên được đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá cả mẫu mã sản phẩm, dịch vụ; các yêu cầu về hàng rào phi thuế quan nhất là các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ khó tận dựng được cơ hội mở rộng thị trường. Những ngành kém sức cạnh tranh sẽ phải thu hẹp sản xuất hoặc chấm dứt hoạt động như ô tô, thép, giấy, dược phẩm, dịch vụ phân phối.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam có tận dụng được cơ hội và hạn chế thách thức hay không? Thực tế thực hiện các hiệp định thương mại tự do đến nay đã được Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư khóa XII của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế nêu tổng quát: Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó quan trọng là các hiệp định thương mại tự do đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế còn bị tác động bởi cách tiếp cận phiến diện, ngắn hạn và cục bộ; do đó, chưa tận dụng được hết các cơ hội và ứng phó hữu hiệu với các thách thức.
Minh chứng cụ thể qua thực hiện cam kết tự do hóa thương mại với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thời điểm ta gia nhập WTO đã có những kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn, thị trường được mở rộng… Nhưng kết quả không đạt được như mong đợi, tăng trưởng GDP giảm dần, kinh tế vĩ mô bất ổn.
Nguyên nhân có nhiều trong đó có khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ nước Mỹ năm 2008, các doanh nghiệp nhà nước đã dành nguồn lực đầu tư mạnh vào những lĩnh vực mang lại giá trị thặng dư lớn như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, ít tập trung đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh ở những lĩnh vực cốt lõi mà mình có thế mạnh. Doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ yếu nhỏ bé, khó tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn, thị trường. Trong khi đó khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại nước ta đã tận dựng cơ hội tốt hơn các doanh nghiệp trong nước (tỷ lệ xuất khẩu của họ tăng từ 1/3 năm 2007 khi ta gia nhập WTO lên hơn 2/3 năm 2017 trong tổng số xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước giảm tương ứng). Như vậy, các doanh nghiệp trong nước đã sử dụng được cơ hội ít hơn, nói cách khác đã thua ngay trên sân nhà.
Vấn đề sống còn đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải nâng cao năng lực canh tranh không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay thị trường trong nước gồm: Có chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng cam kết mở cửa thị trường; nhận thức rõ chất lượng nguồn nhân lực là quyết định, đề cao văn hóa kinh doanh và coi trọng quản trị doanh nghiệp.
Xếp hạng này chứng tỏ, các doanh nhân Việt Nam ít đổi mới, sáng tạo; ít kinh doanh bằng ý tưởng (thang văn hóa cao nhấ) mà thiên về kinh doanh bằng tiền (thang văn hóa trung bình) và có những doanh nhân kinh doanh vi phạm pháp luật dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp là thang văn hóa kinh doanh thấp nhất.
Muốn cải thiện điều này, doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng tối đa quan hệ đầu tư và thương mại với EU để tận dung cơ hội vượt trội của họ về công nghệ nguồn và giá trị nhân văn về thực hiện trách nhiệm xã hội, trước hết về lao động.
Chủ động, cập nhật thông tin các cam kết EVFTA, các quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi, xây dựng kế hoạch để có thể tham gia chuỗi cung ứng khu vực hợp tác với các nước khác nếu quy định cộng gộp xuất xứ hàng hóa được EU chấp nhận (đạt ngưỡng tỉ lệ % nguyên liệu có xuất xứ trong nước hoặc khu vực).
Đồng thời nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, thói quen tiêu dùng của thị trường này để bảo đảm khi kết thúc đàm phán doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa cơ hội xuất khẩu. Các cơ quan chức năng và hiệp hội có vai trò quan trọng cung cấp thông tin và tham vấn cho các doanh nghiệp.
Đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng phải nhận thức đầy đủ thách thức, tập trung cho lĩnh vực kinh doanh mà mình có thế mạnh, tăng cường liên doanh, liên kết tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng doanh nghiệp, khắc phục tình trạng riêng rẽ đang rất phổ biến, nhất là trong khu vực kinh tế tư nhân, hạn chế đến mức thấp nhất một số lĩnh vực phải thu hẹp sản xuất do không cạnh tranh được tại thị trường trong nước.