Đáp ứng yêu cầu xanh, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU
Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, Thỏa thuận xanh và các chính sách, biện pháp thực thi không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất mà còn liên tục phát triển qua thời gian. Hơn nữa, đến nay vẫn không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung, không có một lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Thế nhưng, việc đáp ứng các yêu cầu xanh của EU vẫn có thể khả thi với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU. Bởi, tất cả các chính sách xanh của EU đều được công khai dự thảo và tham vấn ý kiến công chúng trong một khoảng thời gian rất dài trước khi được quyết định thông qua. Kể cả khi có hiệu lực, các chính sách này đều có lộ trình triển khai từng bước với yêu cầu khó chỉ phải thực thi đầy đủ sau một khoảng thời gian dài.
Ngoài ra, không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều yêu cầu chi phí tuân thủ cao mà có thể là yêu cầu thay đổi trong cách thức hành động. Đồng thời, một số trường hợp, các tiêu chuẩn xanh EU được pháp luật hóa từ các tiêu chuẩn tự nguyện trước đó mà doanh nghiệp đã thực hiện theo yêu cầu của khách hàng nên có thể không đòi hỏi thay đổi quá lớn với doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp; trong đó, có việc tiếp cận sớm tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.
Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU (như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia...).
Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần theo dõi sát chính sách xanh ở EU; nhận diện kịp thời, chính xác tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình; có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng, bảo đảm khả năng tuân thủ yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.
Cùng đó, cơ quan Nhà nước, hiệp hội, tổ chức khác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác và chi tiết về tiêu chuẩn xanh EU theo nhóm sản phẩm cụ thể; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện; phối hợp với phía EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp, về hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt Nam nếu có.
Bộ Công Thương với vai trò đơn vị trực tiếp theo dõi, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đã sớm nắm bắt xu hướng phát triển xanh của EU; trong đó, có Thoả thuận xanh EU nhằm đồng hành hỗ trợ cùng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp phải nhận diện được những khó khăn, thách thức về sản phẩm của mình đối với những quy định từ Thỏa thuận xanh EU. Trên cơ sở đó, Nhà nước và Chính phủ mới có thể hiểu doanh nghiệp cần hỗ trợ ở những khía cạnh nào.
Ngược lại, Nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển công nghiệp xanh, chính sách để thu hút đầu tư; định hướng phát triển những dự án công nghiệp thân thiện với môi trường. Hơn nữa, Nhà nước cũng thực hiện hàng loạt hỗ trợ ngắn hạn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Cụ thể như việc liên quan đến quy định mới của EU cũng như các nước liên quan đến xuất khẩu hàng hóa được cập nhật rất thường xuyên qua nhiều hình thức khác nhau.
Theo Bộ Công Thương, thoả thuận xanh EU là gói chính sách tập hợp các quy định, tiêu chuẩn xanh với hàng hoá, sản xuất, kinh doanh của EU có quy mô khổng lồ và rất phức tạp. Là gói chính sách nội bộ, Thỏa thuận xanh EU về lý thuyết chỉ áp dụng cho các chủ thể và các đối tượng (hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh tế) trong khối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Thỏa thuận xanh EU cũng sẽ áp dụng cho đối tượng ngoài EU, phổ biến là hàng hóa lưu hành, mua bán thương mại, sử dụng, tiêu thụ và/hoặc tạo phát thải tại EU.
Trong vòng chưa đầy 4 năm triển khai, EU đã có nhiều chính sách xanh đang và dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực nông nghiệp, Chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn"; sản xuất chế biến có Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, còn có một số chính sách khác có phạm vi hẹp hơn gồm Chiến lược đa dạng sinh học, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới, Chiến lược hóa chất vì sự bền vững, các chính sách về rác thải tiêu dùng... Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận xanh EU đến năm 2050, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới 2030./.