Hồ tôm ở Quảng Bình xả thải gây ô nhiễm, “đầu độc” bờ biển
Nhận phản ánh từ người dân, phóng viên Doanh Nhân Việt Nam đã men theo bãi biển Quảng Thọ (tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).
Tại đây, nước xả thải có màu đen và xanh lục, bốc mùi thói nồng nặc xuất phát từ hàng chục hồ nuôi tôm chảy thẳng ra biển, dòng nước đi đến đâu, màu xanh nước biến thành màu đen đến đó.
Hàng chục hồ nuôi tôm đang hoạt động tại bờ biển thuộc phường Quảng Thọ
Trong khu vực xả thải có rất nhiều ống to nhỏ có đường kính từ 20 cm, liên tục xả nước đen ngòm, đầy bọt. Ngoài ra, còn có 2-3 con kênh được đào sâu khoảng 2m dùng để dẫn nguồn nước thải ra biển.
Theo một số người dân, những hồ tôm này được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động từ lâu, nhưng do kinh doanh không hiệu quả nên chủ hồ tôm ban đầu đã cho người khác thuê lại. Sau khi trở lại hoạt động, cuộc sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi nước thải trực tiếp chảy ra biển, gây ô nhiễm và làm giảm số lượng cá và các loài thuỷ sinh sống ở đó, vốn là nơi tạo ra sinh kế cho người dân địa phương.
Nhà kiên cố được xây cho các công nhân nuôi tôm
Chứng kiến nước thải chảy ra biển mỗi ngày, anh N.V.T. (32 tuổi, ngụ tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ) bức xúc: “Từ nhiều năm nay, nước thải đen ngòm từ hồ tôm liên tục tuôn ra biển, mùi hôi thối bốc lên, khiến ai cũng buồn nôn. Khu vực này là nơi chúng tôi cào sò, cào nghêu. Bây giờ khu vực này bị ô nhiễm, xuống cào nghêu ngày nào, hôm sau lên là tôi bị ghẻ lở khắp người, nhưng vì miếng ăn nên đành phải chấp nhận”.
Cũng anh T. cho biết, vào mùa mưa lũ, chủ hồ tôm tháo nước cho chảy ngược vào phía bên trong đất liền, nơi người dân đang canh tác lúa nước. Khiến mùi hôi thối bao trùm cả một khu vực rộng lớn, ai cũng bức xúc nhưng không thể làm gì được.
Hàng chục cọc nhọn được dùng để gia cố các ống xả thải nối từ hồ tôm ra biển
Còn ông T.V.B. (65 tuổi, ngụ tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ) cho biết: “Năm 1986, tôi được thuê 3 kg gạo/ngày để gánh hàng trăm cây dương về để trồng rừng phòng hộ ở bãi biển xã Quảng Thọ lúc bấy giờ. Nhưng hiện tại, rừng dương phòng hộ được thay thế bằng hàng chục hồ nuôi tôm xả thải ô nhiễm, tôi thấy xót xa lắm”.
Theo ông B., nước thải vào thời điểm này tuy ô nhiễm nhưng ít trầm trọng hơn những ngày cao điểm mà chủ hộ thu hoạch tôm. Lúc bắt tôm, nước thải đen kịt chảy ồ ạt ra biển, bốc mùi hôi thối xộc thẳng vào phổi. Khi chảy ra biển, nước chuyển sang màu đen và nổi bọt trắng.
Nước thải chảy vào một con kênh tự đào, sau đó chảy ra biển
Theo quan sát, đoạn bờ biển có hồ tôm đang hoạt động kéo dài khoảng 2 km. Một số ống xả thải được kéo ra đến tận biển, số còn lại thì chảy trực tiếp trên bờ sau đó tạo thành dòng chảy ra biển. Các ống xả thải ở ngoài biển được gia cố bằng các cọc gỗ nhọn dày đặc, gây nguy hiểm cho người dân đang mưu sinh ở khu vực bờ biển.
“Các chú nhìn thì thấy đó, nước thải đen kịt, hơn cả nước cống. Cá và các loài thủy sinh ở khe này không thể sống nổi. Còn mùi hôi thối thì không thể tả được, đứng cách xa đó vài mét thôi đã không thể thở được rồi. Người dân ra đây cào nghêu, thả lưới giờ chỉ biết kêu trời”, bà N.T.T. (54 tuổi, ngụ tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ) bức xúc.
Nước thải có màu đen kịt khi vừa mới thải ra và chuyển sang màu xanh khi đọng lại quá lâu
Theo nhiều người dân, dù trước đây họ đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương, nhưng có phản ánh thế nào, tình trạng này vẫn cứ diễn ra như bình thường. Cảm thấy bất lực, nên người dân cũng không còn kêu van với chính quyền địa phương về vấn đề này nữa.
Liên quan đến sự việc này, ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, những hồ tôm tại tổ dân phố Nhân Thọ đã được cấp phép từ rất lâu, nhưng đến nay chưa rõ tình hình ô nhiễm thế nào, vấn đề này cần phải.... chờ báo cáo, thì mới có thể đưa ra phương án xử lý ?
Doanh Nhân Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Tuấn - Cẩm Kỳ
Xem thêm: Quảng Bình: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại mỏ đá Lèn Bảng