Hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp do nữ làm chủ còn hạn chế
(DNVN) - Khu vực doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tới 1/4 số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa bình đẳng với khu vực doanh nghiệp còn lại.
Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây.
Trình bày Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, đây có thể xem là một trong những báo cáo đầu tiên có nghiên cứu và đưa ra đánh giá toàn diện về nội dung này. Báo cáo dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát từ hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh thành của nước ta. Tính đến hết tháng 9 năm nay, toàn quốc có hơn 285.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước, và là tỉ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp trong mô hình này còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ.
“Điều tra của VCCI cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tìm kiếm khách hàng (63% số doanh nghiệp được điều tra), sau đó là khó khăn về biến động thị trường. Theo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thì tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Như vậy, chỉ tiêu này đến nay đã không đạt được”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Theo Báo cáo Kinh doanh tại Việt Nam, nguồn lực hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp do nữ làm chủ vẫn chưa bình đẳng với khu vực doanh nghiệp còn lại. Do đó, Báo cáo ỳ vọng đề xuất một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia. Tuy nhiên, trong Báo cáo Khoảng cách Thế giới Toàn cầu 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 12/2017 Việt Nam đứng thứ 77 trong tổng số 149 quốc gia và vũng lãnh thổ được đánh giá, giảm 8 bậc so với năm 2017. Xét ở khía cạnh cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chỉ số về lãnh đạo phụ nữ đứng ở vị trí 94/149 với điểm số 0,374/1,0. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Đại diện VCCI cũng khẳng định, Việt Nam có những quy định tiến bộ về bình đẳng giới và Luật Hỗ trợ DNNVV đã đặt ra nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, các quy định này còn chung chung, nên việc hưởng ưu đãi từ phía các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và việc cho hưởng ưu đãi từ phía các cơ quan Nhà nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vừa giúp khai thác tiềm năng cho tăng trưởng vừa góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, Báo cáo khuyến nghị, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và cần cả nỗ lực đóng góp từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Chính quyền địa phương cần thúc đẩy cải thiện hơn nữa tính minh bạch trong điều hành kinh tế của mình, ở cả việc công khai minh bạch thông tin cho doanh nghiệp, cho tới việc minh bạch trong xây dựng chính sách và quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp ở địa phương, để các đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ được tham gia một cách thực chất vào quá trình này. Các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cung cấp thông tin khi DN và doanh nhân (trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nhân nữ) yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, cần minh bạch hóa việc triển khai các chính sách chương trình hỗ trợ để doanh nghiệp biết được kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi. Các trình tự, thủ tục, việc lựa chọn doanh nghiệp để ưu đãi, hỗ trợ cũng cần được công khai minh bạch và có bên thứ ba tham dự đánh giá và giám sát chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt cải cách, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách giảm thiểu thủ tục hành chính đất đai phiền hà, minh bạch thông tin đất đai và bố trí quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch để tăng chỉ số tiếp cận thị trường, tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng.