Năm 2024 được dự báo sẽ là năm khó khăn trong điều hành chính sách

Anh Đào 12:10 | 14/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sức ép từ lạm phát trong nước và sức ép từ tỷ giá sẽ gây khó cho các chính sách điều hành năm 2024.

Trong báo cáo được thực hiện bởi WiGroup phối hợp cùng VietnamBiz, công bố tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash Flow”, năm 2024 được dự báo sẽ là năm khó khăn cho các chính sách điều hành của Chính phủ và dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều.

Về sức ép từ lạm phát trong nước, trong tháng 10, tăng trưởng CPI là 3,56% so với cùng kỳ thể hiện rõ những dấu hiệu áp lực về lạm phát Việt Nam. Tuy cách khá xa mức trần mà Chính phủ đưa là 4,5% trong năm nay, nhưng giá lương thực và giá năng lượng đang có xu hướng tăng cao. Cùng với một số giá hàng hóa khác ở mức nền thấp trong năm 2023, năm 2024 lạm phát sẽ có những áp lực nhất định. Ngoài ra, các chính sách giảm thuế hết hạn vào đầu năm 2024 cũng sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa.

Về sức ép tỷ giá, nhóm phân tích cho rằng tuy lạm phát ỏ Mỹ đã giảm rất nhanh từ đỉnh hơn 8% xuống còn 3,7% trong tháng 9. Nhưng, khả năng Fed tiếp tục giữ mức lãi suất cao trong thời gian tới khi chỉ số PCE vẫn đang cao, cùng với áp lực từ giá dầu tăng trở lại thì rất khó để CPI Mỹ có thể giảm nhanh.

Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bằng cách giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước. Chênh lệch lãi suất giữa VND và VND, cùng với tăng trưởng tín dung phục hồi, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng lên sẽ làm cho nhu cầu USD trong nước tăng. Từ đó, gây áp lực tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.

 

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng áp lực tăng trưởng kinh tế đối với Chính phủ trong giai đoạn 2024 - 2025 là rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5% của cả nhiệm kỳ. Do đó, cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.

Để hiện thực hoá điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hiện tất cả ngân hàng trung ương trên thế giới đều điều hành chính sách theo hướng “dò đường” với tự tin trong điều hành rất thấp bởi khả năng mắc sai lầm rất cao, kể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chính sách ở thời điểm này hầu hết mang tính thích ứng, đối phó với các rủi ro, biến động chứ chưa thể dài hạn. Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ trong năm 2024 là duy trì trạng thái chính sách tiền tệ như hiện nay.

Theo chuyên gia, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt khoảng 11% so với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì vậy, năm tới NHNN vẫn phải quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14 - 15% nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng.

Với định hướng đó, một chính sách tiền tệ nới lỏng là vẫn phải duy trì nhưng vẫn có xác suất đảo chiều chính sách khi hai yếu tố tỷ giá và lạm phát  quá nóng.

Ông cũng cho rằng lãi suất điều hành đã ở đáy và khó có thể giảm thêm nữa. Ngoài ra nếu duy trì được mặt bằng lãi suất này trong cả năm 2024 thì đây sẽ là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế.