Hoà Phát sẽ giải bài toán đầu ra cho thép HRC Dung Quất 2 ra sao?

H Mĩ 07:05 | 18/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh như hiện nay, Hoà Phát xác định tập trung vào thị trường nội địa. Với thị trường xuất khẩu sẽ ưu tiên những thị trường có giá bán cao và cạnh tranh với thép Trung Quốc.

Ra sản phẩm vào thời điểm thị trường khó khăn

"Đầu ra cho dự án Dung Quất 2" là một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hoà Phát vừa qua.

Với quy mô 280 ha, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) chất lượng cao/năm.

Dự án được triển khai từ quý I/2022. Tính đến cuối quý I, Dung Quất 2 đã vận hành được 70 - 80% công suất và dự kiến phân kỳ 2 của dự án sẽ hoàn thành vào quý IV năm nay. Ước tính sản lượng HRC tối đa của Hoà Phát có thể đạt khoảng 8,6 triệu tấn kể từ năm 2025.

Dự án đưa vào vận hành đúng vào thời điểm nhu cầu ở trong nước và thế giới có nhiều biến số, đặc biệt là sau khi ông Trump nắm quyền và công bố thuế thép 25%. Dù đây có thể là cơ hội giúp thuế thép Việt Nam “ngang hàng” về thuế với các quốc gia khác, ngành thép vẫn đối mặt nguy cơ bị thép giá rẻ từ các nước tràn sang. Đồng thời, các quốc gia khác cũng đang dựng lên hàng rào phòng vệ để bảo vệ thị trường nội địa.

Tại thị trường trong nước cũng có nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu thụ HRC giảm do ngành tôn mạ – khách hàng lớn nhất – cũng đang gặp khó, nhất là ở kênh xuất khẩu. Xuất khẩu tôn mạ hai tháng đầu năm giảm tới 38%, phản ánh sự phụ thuộc lớn vào thị trường bên ngoài.

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, nhận định ngành tôn thép đang đối mặt giai đoạn khó khăn, và nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc suy giảm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tổng công suất ngành tôn mạ đang vượt xa nhu cầu trong nước, tạo thêm áp lực cho thị trường.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) trong hai tháng đầu năm 2025 giảm 10%, xuống còn hơn 1 triệu tấn. Đặc biệt, xuất khẩu HRC giảm mạnh 78%, khiến tỷ trọng xuất khẩu giảm từ 50% xuống chỉ còn 12%.

Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Đi tìm lời giải cho bài toán đầu ra

Trong bối cảnh này, câu chuyện tìm đầu ra sản lượng HRC mới đang trở thành một trong mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư.

Trao đổi với chúng tôi bên lề ĐHĐCĐ diễn ra sáng ngày 17/4, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát, cho hay nguồn tiêu thụ HRC của cả tập đoàn trong thời gian tới chủ yếu vận tập trung ở thị trường nội địa, còn xuất khẩu giữ ở mức dưới 20%.

Ông cho biết việc Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời 19,38 - 27,83% đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc đang là lực đỡ rất lớn đối với hoạt động tiêu thụ của tập đoàn. Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu tới 9 triệu tấn HRC từ Trung Quốc, tức gấp 3 lần sản lượng của Hoà Phát, nhưng năm nay con số này chắc chắn sẽ giảm.

Điều này giúp tỷ trọng sử dụng thép HRC của công ty tăng lên. Ngoài ra, cũng có nguồn hàng nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lượng không đáng kể.

“Hiện nay, tỷ trọng thép HRC Hoà Phát sử dụng trong các doanh nghiệp tôn mạ đang tăng lên. Năm ngoái, tỷ trọng này là 15 - 20% thì năm nay con số này đã nâng lên 40%”, ông cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng năm nay tập khách hàng này gặp khó khăn do tỷ trọng xuất khẩu lớn trong khi thương mại bất ổn, nhiều thị trường lớn áp thuế chống bán phá giá.

Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

“Dù thị trường tôn mạ năm nay sẽ gặp khó, nhưng các doanh nghiệp cũng sẽ phải tìm cách thích nghi, mở rộng thị trường thay vì ngồi yên. Khi họ vẫn sản xuất thì vẫn cần mua HRC. Theo tôi được biết, nhiều đơn vị tôn mạ đang tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là điều khó, nhưng họ buộc phải thực hiện.”, ông nói thêm.

Một tín hiệu khả quan đến với các doanh nghiệp tôn mạ khi đầu tháng 4, Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với mức thuế tối đa là 37,13%. Sắc lệnh này được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ việc tiêu thụ tôn mạ ở thị trường trong nước trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn.

Bên cạnh doanh nghiệp tôn mạ, Hoà Phát cũng đang thuyết phục các tập khách hàng khác của mình nâng tỷ trọng sử dụng sản phẩm của mình.

“Thị trường nội địa luôn là số 1. Nguyên tắc của chúng tôi là không bao giờ để thiếu hàng ở khách hàng trong nước. Kể cả biên lợi nhuận xuất khẩu có thể tốt hơn nhưng vẫn phải bảo vệ thị trường nội địa vì nếu chỉ lơ là có thể mất luôn thị phần sân nhà”, ông nói.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Hoà Phát (Ảnh: Hoà Phát)

Đối với xuất khẩu, ông Thắng cho biết Hòa Phát vẫn duy trì chiến lược đa dạng hóa thị trường, đồng thời giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%. Do sức cạnh tranh ngang bằng với Trung Quốc, chiến lược của công ty thời gian tới là tập trung vào các thị trường có chính sách hạn chế dòng chảy thép từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới này, đồng thời có giá bán tốt, điển hình như EU và Mỹ.

Tại thị Mỹ, hiện thép của Trung Quốc phải chịu mức thuế cao ngất ngưởng trên 100% do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi thép Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế 25% theo mục 232. Bên cạnh đó, sau khi ông Trump tuyên bố áp mức thuế thép 25% áp dụng chung cho các quốc gia trên thế giới, giá thép HRC tăng dựng đứng từ khoảng 700 USD/tấn lên trên 900 USD. Có thời điểm giá thậm chí chạm mốc 1.000 USD/tấn. Mức giá này cao gấp đôi so với ở thị trường Việt Nam.

Nguồn: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

“Chúng tôi đang tận dụng cơ hội này tại Mỹ. Với mức giá trên 900 USD/tấn tại Mỹ, thép HRC của Hoà Phát bắt đầu có lãi. Tình hình đơn hàng tại thị trường Mỹ vẫn đang ổn định. Tuy nhiên, nhược điểm khi xuất khẩu sang Mỹ bên cạnh câu chuyện thuế, còn vấn đề liên quan đến cước tàu do đi hơi xa”, ông Thắng cho biết.

Còn tại thị trường EU, mới đây,  Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành thông báo áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu  từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu. Trong đó, Hoà Phát là doanh nghiệp duy nhất được áp thuế 0% trong khi đó, các công ty còn lại chịu mức thuế từ 6,9% đến 31,8%.

Ông Thắng cho biết việc áp thuế này tạo lợi thế cho Hoà Phát so với các đối thủ nước ngoài, thậm chí là cả đối thủ trong nước là Formosa khi phải chịu mức thuế 12,1%. Giá thép HRC hiện giao dịch khoảng 720 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 580 USD/tấn hồi đầu năm nay.

Với những thị trường như Trung Đông, Hồng Kông hay Singapore – nơi ít rào cản thuế nhưng giá bán thấp hơn – công ty sẽ cân nhắc xuất khẩu khi không tiêu thụ hết sản lượng trong nước hoặc tại các thị trường chính.