Hoàn thành sửa chữa cầu Thăng Long, sẽ hoạt động trở lại từ 8/1/2021

17:07 | 29/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác ngày 8/1/2021, trễ hơn dự kiến ban đầu là ngày 31/12/2020.
Theo thông tin từ TTXVN chiều 28/12, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã “chốt” thời gian khai thác dự án sửa chữa, nâng cấp mặt cầu Thăng Long để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời giảm tải cho cầu Nhật Tân trong cao điểm Tết sắp tới.
 
Dự kiến dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác ngày 8/1/2021. Việc đưa vào khai thác trở lại cầu Thăng Long sẽ kết nối với đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long và giảm tải cho cầu Nhật Tân.
 
Cầu Thăng Long sẽ hoạt động trở lại từ 8/1/2021
Nhà thầu đang trải bê tông cường độ cao trên lưới thép. Ảnh: Anh Duy
 
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, hiện các công việc sửa chữa, nâng cấp mặt cầu Thăng Long đang gấp rút hoàn thành. Những mẻ thảm mặt cầu đang được các nhà thầu gấp rút triển khai từ nay đến cuối tuần. Sau đó, các công việc như sơn kẻ mặt đường, hộ lan và các công việc khác sẽ được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
 
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, được khởi công ngày 16/8 và đến ngày 27/9 đã cào bóc, làm sạch mặt cầu. Từ 30/9 - 9/12 tiến hành hàn đinh neo, rải cốt thép và đổ bê tông UHPC cho 36 khoang mặt cầu, từ 9/12 - 31/12/2020 tạo nhám, quét keo Epoxy dính bám và thi công lớp phủ mặt cầu.
 
Với công trình này kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tin tưởng sẽ hoàn thành sớm hơn vào ngày 31/12/2020 so với tiến độ đề ra vào ngày 16/1/2021; đảm bảo kết cấu bê tông siêu tính năng (dày 6cm) và bản mặt cầu có "tuổi thọ" lên tới 30 năm.
 
Các chuyên gia đánh giá, công nghệ hàn đinh neo không sinh nhiệt (nhiệt độ dưới 80 độ C) không ảnh hưởng tới bản thép mặt cầu, thời gian hàn chỉ từ 3-15 giây và sau đó sẽ đổ bê tông siêu tính năng UHPC lên trên đảm bảo kết cấu bản mặt cầu bền vững.
 
Cầu Thăng Long sẽ hoạt động trở lại từ 8/1/2021
Một đoạn mặt cầu Thăng Long đã được trải bê tông cường độ cao, chưa trải bê tông nhựa polymer. Ảnh: Anh Duy
 
Riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5 - 10 năm tùy theo tải trọng xe đồng thời mong muốn có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.
 
Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.
 
Do đó, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp sửa chữa, trong đó có công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng UHPC là giải pháp kinh điển trong sửa chữa cầu trên thế giới.
 
Trước đó, theo VNE, ngày 9/12, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết hiện nay hạng mục trải bê tông siêu tính năng trên mặt cầu đã sắp hoàn thành, còn cần thi công 3.000 m3 bê tông nhựa polymer trong một tuần, dự kiến kết thúc vào 22/12. Sau đó cầu Thăng Long sẽ sơn kẻ lan can, lắp đặt trang thiết bị an toàn, chiếu sáng, hoàn thành vào ngày 31/12, đạt tiến độ mà Bộ Giao thông Vận tải đề ra.

Cầu Thăng Long gồm cầu chính vượt sông dài 1.680m gồm 1 nhịp dàn thép, tạo thành liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp x 3 nhịp. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,1m, rộng 17m. Cầu ôtô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m phần đường ô tô rộng 16,5m gồm 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành 2 bên 2m.
 
Các nhịp cầu dẫn của đường sắt có kết cầu bằng các nhịp dầm bên tông cốt thép dự ứng lực chiều dài 3m/nhịp, có tổng cộng 116 nhịp cầu dẫn đường sắt (5 nhịp phía Bắc và 6 nhịp phía Nam), tổng chiều dài 3.23m.
 
 
Hà Ly