Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Nhiều ý kiến trái chiều từ cha mẹ, giáo viên và học sinh

13:58 | 22/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm học 2020 – 2021, giáo dục Việt Nam tiếp tục gây tranh cãi vì gần đây một quy định mới của Bộ GD-ĐT ban hành gây ra một loạt những ý kiến trái chiều.
Cụ thể, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có điểm mới là "học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”.

Như vậy, so với Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT cấm hoàn toàn việc HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, thì theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, HS được sử dụng ĐTDĐ phục vụ cho học tập khi được giáo viên cho phép.

Trong khi nhiều phụ huynh đồng tình với quy định mới bởi giúp cho con họ có cơ hội được tìm hiểu thêm thông tin phục vụ cho việc học tập thì không ít cha mẹ phản đối vì lo lắng những tác động tiêu cực cho con khiến các con bị xao nhãng, phụ huynh khó quản lý,...

Trên thực tế, việc cho phép hay cấm đoán học sinh sử dụng điện thoại trên lớp là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều nước, kể cả những nền giáo dục phát triển như Singapore, Pháp... chứ không riêng gì Việt Nam.
 
Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Nhiều ý kiến trái chiều từ cha mẹ, giáo viên và học sinh - ảnh 1
Học sinh làm bài kiểm tra trên điện thoại di động. Ảnh: Thanh niên

Chị Nguyễn Thị Hè (phụ huynh học sinh trường THPT Phú Xuyên B, Hà Nội) trả lời trên báo Lao động, trong thời buổi công nghệ 4.0, cấm đoán học sinh sử dụng thiết bị di động là điều không thể. Đặc biệt Internet chính là kho tàng kiến thức lớn của nhân loại, giúp ích cho việc học rất nhiều.

Anh Vũ Tiến Vượng (phụ huynh học sinh Trường THCS Đông Văn, Thanh Hóa) lại có ý kiến trái ngược với quy định này của Bộ. Bởi anh cho rằng những chiếc điện thoại thông minh có rất nhiều chức năng giải trí, con sẽ bị phân tán tư tưởng, dễ sử dụng để giải trí hơn là học tập.

Đặc biệt với học sinh cấp 2, các con đang tuổi hiếu kỳ, dễ sa đà vào những nội dung xấu trên mạng xã hội. Đáng lo ngại hơn nữa là mối an toàn của con khi các trang mạng xã hội có thể kết nối với người lạ.

Đồng quan điểm, chị Trần Thu Thủy, ở quận Thanh Xuân chia sẻ trên Kinh tế & Đô thị, học sinh dùng thoải mái ĐTDĐ vào nhiều mục đích, người lớn không kiểm soát được dẫn đến không tập trung học. Đối với con nhà nghèo sẽ đòi bố mẹ mua ĐTDĐ, khi không được đáp ứng, chúng có thể sẽ trộm tiền hoặc nói dối đóng thêm khoản gì cho nhà trường để có tiền mua điện thoại.

Em Lưu Thu Trang - HS lớp 10 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng việc dùng ĐTDĐ sẽ phục vụ học tập giúp tiếp thu thêm kiến thức và tạo ra những giờ học thú vị hơn, giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, mặt trái là HS sử dụng ĐTDĐ sẽ xảy ra một số bất cập, bởi trong điện thoại chứa nhiều ứng dụng, nội dung không liên quan đến bài học. Những bạn chưa chú ý đến bài giảng, việc sử dụng ĐTDĐ có thể là cơ hội để chơi điện tử, lướt mạng xã hội... khiến giáo viên khó quản lý.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, cô Nguyễn Nga (giáo viên Trường THPT Đông Sơn 1, Thanh Hóa) (chia sẻ trên báo Lao động) cho rằng phương án nào cũng có hai mặt. Mặt tích cực sẽ giúp học sinh tra kiến thức khó và mở rộng kiến thức và kỹ cho mình; mặt chưa ổn là giáo viên rất khó quản lý học sinh.

Bởi một tiết học có 45 phút, việc dừng bài cho học sinh sử dụng điện thoại sẽ gây gián đoạn và khiến giờ học không liền mạch. Hơn nữa, một lớp học thông thường có đến 45 học sinh, vì vậy việc kiểm soát rất khó. Đặc biệt, nếu áp dụng quy định này, nhà trường sẽ phải hòa mạng, học sinh phải trang bị smartphone đồng bộ; điều này không phải ở đâu cũng thực hiện được.

Thầy Hoàng Văn Khánh - giáo viên Toán, Chủ nhiệm lớp 10A3, trường Phổ thông Hermann Gmeiner (quận Cầu Giấy) cho biết, sau một thời gian thực hiện việc cho HS dùng ĐTDĐ trong lớp học nhận xét: Các HS dùng ĐTDĐ phục vụ cho việc học còn rất khó. Bởi, hình thức học tập, tương tác giữa giáo viên và HS phần lớn qua máy chiếu hay với laptop, máy tính phòng tin học. Rất ít tình huống HS sử dụng được điện thoại để tương tác với việc học.

Tuy nhiên Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) PGS.TS Nguyễn Xuân Thành đã khẳng định: "Bối cảnh xã hội hiện nay đang chuyển đổi mạnh mẽ nên khuyến khích giáo viên áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Trong thời đại số, ĐTDĐ cũng là một phương tiện hỗ trợ đắc lực trong việc tra cứu nguồn học liệu cho HS, giáo viên. Giáo viên sẽ vẫn là người quyết định cuối cùng việc có cho HS dùng ĐTDĐ hay không và là người giám sát hoạt động này."

Để quy định học sinh được dùng điện thoại trong trường tạo ra hiệu quả thì mỗi nhà trường xây dựng quy chế thực hiện, mỗi giáo viên chủ động và đề xuất những phương thức tổ chức tiết dạy có dành thời gian cho học sinh sử dụng thiết bị này thích hợp và tạo hứng thú trong học tập.
 
Hải Yến