Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam làm việc với Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
Buổi “Gặp mặt và làm việc giữa Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam và Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” diễn ra sáng nay (31/3), với sự tham dự và chỉ đạo của PGS, TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, nguyên: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giám đốc học viện Hành chính Quốc gia; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026.
Tham dự sự kiện còn có các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 của Bộ Ngoại giao và đông đảo doanh nhân tiêu biểu thuộc Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt và làm việc, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đề xuất ý tưởng và hỗ trợ tổ chức sự kiện quan trọng này.
PGS, TS Nguyễn Trọng Điều cho biết, kinh tế tư nhân không những là động lực quan trọng của nền kinh tế mà kinh tế tư nhân còn là nòng cốt phát triển kinh tế đất nước. Thời nào, quốc gia nào cũng vậy, khi đặt kinh tế tư nhân đúng vị trí, phát huy hết được nguồn nội lực của nó, đất nước sẽ có cơ hội phát triển và giàu mạnh.
Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam qua 10 năm hoạt động đang phát huy vai trò ngôi nhà chung của đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam, cùng chung tay nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nhân tư nhân, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử, kinh tế tư nhân là động lực và nòng cốt xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và tự cường.
“Cuộc gặp mặt và làm việc hôm nay là một cơ hội quý báu để các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và các đồng chí Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện trao đổi thông tin, hiểu thêm về năng lực, thế mạnh, nhu cầu của mỗi bên để tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh, hỗ trợ thương mại, xuất khẩu, đầu tư nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, kênh phân phối, góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh”, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều nói.
Vì sự vững mạnh của đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam và sự phồn thịnh của đất nước Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đề xuất các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quan tâm và hỗ trợ việc tìm kiếm, giới thiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam các nhà nhập khẩu, hệ thống lưu thông, phân phối các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam tại thị trường sở tại.
Thông tin, tư vấn về nhu cầu thị trường, cập nhật thường xuyên chính sách kinh tế, quy định luật pháp, các hàng rào kỹ thuật, xu thế, tiềm năng kinh tế của địa bàn sở tại.
Mời doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình ngày/tuần hàng Việt Nam, hội chợ, triển lãm hàng hóa của Việt Nam để giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp sở tại.
Đồng thời, đề xuất các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm kiếm các tổ chức, doanh nghiệp mong muốn chuyển giao công nghệ mới trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu.
Hỗ trợ tìm kiếm các nhà đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp đang phát triển tốt, có nhiều đơn hàng nhưng đang thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Cuộc gặp mặt và làm việc hôm nay mở ra một chương mới cho sự hợp tác hiệu quả và lâu dài giữa Bộ Ngoại giao và Hội DNTN VN, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam, uy tín và hình ảnh của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khẳng định.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, bên cạnh nhiệm vụ chính trị thì nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, phục vụ doanh nghiệp doanh nhân của Bộ Ngoại giao là rất lớn. Đó là ngoại giao cùng phát triển, ngoại giao kinh tế, người dân doanh nghiệp là trung tâm.
Cách đây gần 1 năm, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 15-CT/TW về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động cụ thể hóa Chỉ thị 15 để giao nhiệm vụ cho các bộ ngành thực hiện.
Tháng 2/2023, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị lớn bao gồm tất cả bộ ngành địa phương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện ngoại giao kinh tế.
“Phái Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 cũng đã đi rất nhiều địa phương trên 10 tỉnh thành trên cả nước, đi đến đâu chúng tôi cũng gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp, tọa đàm với hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và sắp tới là miền Trung.
Những đề xuất của Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tại buổi gặp mặt hôm nay rất đáng hoan nghênh. Chúng tôi mong muốn được nghe những yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, để từ đó, đồng hành, kết nối tìm ra sức mạnh của đối tác. Sứ mệnh của chúng tôi là kết nối”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nói.
Chia sẻ thông tin doanh nghiệp và đề xuất cụ thể trước các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026, đại diện cho Tổng Công ty thương mại Hà Nội Hapro, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, Công ty Cổ phần liên doanh Sơn quốc tế Mỹ, Trung tâm đầu tư và phát triển quốc tế Invest Global, Công ty VIJA Việt Nhật, Công ty Thái Dương Tre, Chi hội Việt Âu, Công ty Hacoocha… đã đánh giá cao vai trò của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường tại nước ngoài.
Các doanh nghiệp mong muốn qua các kênh Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài để thông tin cụ thể hơn, sâu rộng hơn về thương hiệu doanh nghiệp; được các đại sứ hỗ trợ việc kết nối, xúc tiến thương mại, đặc biệt là thông qua Góc không gian Việt Nam tại Đại sứ quán nước sở tại. Đồng thời, qua kênh Đại sứ, doanh nghiệp Việt được tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quản trị, công nghệ từ các nước tiên tiến.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn sản phẩm có chất lượng của mình không chỉ được xuất khẩu, được ưa chuộng tin dùng tại nước ngoài mà còn quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, làm sao để giá trị Việt được đánh thức.
Chia sẻ với các doanh nghiệp trực thuộc Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho rằng những trao đổi từ cộng đồng doanh nhân tư nhân trong buổi gặp mặt rất thẳng thắn, vượt qua nhiều khung thông thường và chạm đến trái tim.
Doanh nghiệp Việt có rất nhiều sản phẩm xứng tầm thế giới. Để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tại nước ngoài, các Trưởng Cơ quan đại diện hy vọng Góc không gian Việt Nam tại Đại sứ quán nước sở tại sẽ quảng bá tốt hơn sản phẩm và văn hoá Việt Nam, qua đó có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Các Trưởng Cơ quan đại diện đặc biệt lưu ý cộng đồng doanh nghiệp về quy trình công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn mà sản phẩm Việt phải đạt được trước khi xuất khẩu sang các nước tiên tiến. Doanh nghiệp cần thông qua cộng đồng người Việt (có thể thông qua đầu mối đại lý tại cộng đồng người Việt) để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình.