Hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết ghi nhận tổng lợi nhuận quý I giảm 18% so với cùng kỳ
Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến ngày 5/5, đã có 1.021 trong tổng số 1.609 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023. Các doanh nghiệp đã công bố này chiếm 96% vốn hóa toàn thị trường.
Số doanh nghiệp báo lãi là 810, bao gồm 419 có lãi tăng và 391 giảm lợi nhuận. Còn lại 211 doanh nghiệp thua lỗ, chiếm 20,7% số công ty đã công bố báo cáo tài chính.
Phần lớn doanh nghiệp thua lỗ đang giao dịch ở UPCoM, nhóm bluechip VN30 cũng có một công ty báo lỗ là Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL). Đây là quý thua lỗ đầu tiên của Novaland kể từ khi có báo cáo tài chính vào năm 2016 đến nay.
Ngoài việc là thành viên duy nhất của VN30 báo lỗ, Novaland cũng là doanh nghiệp lỗ nặng thứ 2 trên toàn thị trường chứng khoán trong quý đầu năm nay, chỉ sau Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC).
Cụ thể, tập đoàn xây dựng của Chủ tịch Lê Viết Hải thông báo khoản lỗ sau thuế 445 tỷ đồng, trong khi Novaland lỗ 410 tỷ. Trong quý liền trước (quý IV/2022), Hòa Bình đã lỗ 1.202 tỷ. Tính đến ngày 31/3 năm nay, Hòa Bình lỗ lũy kế 1.137 tỷ đồng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là hơn 6,1 lần.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục có nhiều thách thức, Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) cũng báo lỗ 117 tỷ đồng trong quý I, nối tiếp khoản lỗ 460 tỷ đồng của quý IV năm ngoái. Tại ngày 31/3, Đất Xanh vẫn còn khoản lợi nhuận chưa phân phối hơn 2.200 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán, tỷ lệ vốn chủ trên tổng tài sản là 46%.
Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Mã: DXS) – công ty con của Tập đoàn đất Xanh – cũng nằm trong top 15 công ty lỗ nặng nhất quý I/2023.
Bên cạnh các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản, nhiều công ty vật liệu xây dựng cũng thông báo kết quả kinh doanh quý I bết bát, như biểu đồ bên trên cho thấy. Cụ thể: Thép Pomina (Mã: POM) lỗ gần 187 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 4 liên tục; Thép Nam Kim (Mã: NKG) lỗ 49 tỷ, Xi Măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) lỗ 86 tỷ.
Một số công ty nông nghiệp cũng thua lỗ từ vài chục tới vài trăm tỷ đồng như Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC), Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG), Masan MEATLife (Mã: MML), ….
Ở phía ngược lại, có 22 doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng trong quý I vừa qua, với Vinhomes (Mã: VHM) là quán quân và là cái tên duy nhất có lãi trên 10.000 tỷ.
Trong top 15 lợi nhuận quý I, nhóm ngân hàng chiếm ưu thế áp đảo khi đóng góp tới 12 đại diện là Vietcombank (VCB), BIDV, MB, VietinBank (CTG), Techcombank (TCB), ACB, SHB, HDBank (HDB), VIB, Sacombank (STB), VPBank (VPB), TPBank (TPB).
Chỉ có ba doanh nghiệp phi tài chính có mặt trong top 15 lợi nhuận là Vinhomes (VHM), Vinamilk (VNM) và FPT.
Thống kê của SSI cho thấy 1.021 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý I có tổng doanh thu 967.882 tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lãi/lỗ sau thuế đạt xấp xỉ 109.900 tỷ đồng, giảm 18,4%.
Trong đó, các doanh nghiệp niêm yết ở HOSE có lợi nhuận giảm 17,8%, giao dịch ở UPCoM giảm 17%, và các doanh nghiệp ở HNX ghi nhận lãi sau thuế lao dốc 36,2%. Nhóm bluechip VN30 có kết quả khả quan nhất khi lợi nhuận chỉ giảm 11,3%.